Khi ngày càng nhiều quốc gia cân nhắc nới lỏng quy định phong tỏa, các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại rằng, làn sóng Covid-19 thứ hai có thể sẽ buộc các chính phủ phải áp đặt lệnh cứng rắn này trở lại.
Học sinh ở thành phố Vũ Hán, vùng tâm dịch của Trung Quốc, đến trường vào ngày 6-5. Ảnh: AFP/Getty Images |
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm mới từ nước ngoài vào ngày 7-5 và không có thêm ca tử vong nào trong hơn 3 tuần qua. Địa phương mới đây nhất hạ cảnh báo nguy cơ gia tăng ca nhiễm từ cao xuống thấp là một quận nằm gần biên giới Nga. Theo đó, NHC khẳng định, nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên khắp Trung Quốc đại lục rất thấp, nghĩa là không lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai.
Hàn Quốc ngày 7-5 ghi nhận số ca nhiễm mới trong 3 ngày liên tiếp ở mức dưới 5 người. Chính quyền thủ đô Seoul cho phép mở lại 50% công suất tối đa của các địa điểm công cộng (như bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, thư viện…) và tiếp tục mở dần sau khi xem xét nhiều yếu tố. Trong khi đó, New Zealand thúc đẩy nới lỏng phong tỏa và Thủ tướng Jacinda Ardern sẽ đưa ra quyết định vào tuần tới.
Nguy cơ phong tỏa trở lại
Tín hiệu lạc quan nói trên không xua đi những lo ngại. Theo hãng AP, các chuyên gia y tế cho rằng, làn sóng Covid-19 thứ hai có thể sẽ buộc các chính phủ phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại. Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ) ngày 6-5 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo: “Nguy cơ phong tỏa trở lại vẫn hiện hữu nếu các quốc gia không giám sát quá trình nới lỏng một cách thận trọng và thực hiện theo từng giai đoạn”.
Ông Tedros đề cập 6 tiêu chí và kêu gọi các nước chú trọng, bao gồm: giám sát triệt để; thực hiện cách ly; xét nghiệm và điều trị tất cả trường hợp; theo dõi dịch tễ; thực hiện biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc và trường học; sự hợp tác của người dân khi dỡ bỏ phong tỏa. Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia về dịch tễ học của WHO cũng cảnh báo: Nếu dỡ bỏ quá nhanh biện pháp phong tỏa, Covid-19 có thể tăng tốc trở lại.
Nguy cơ phong tỏa trở lại vẫn hiện hữu nếu các quốc gia không giám sát quá trình nới lỏng một cách thận trọng và thực hiện theo từng giai đoạn” Tổng Giám đốc WHO |
Hãng PA Media cho biết, chính phủ nhiều nước đang lên kế hoạch ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai khi nối lại các hoạt động thường nhật. Các bang của Đức cho phép cửa hàng ăn uống mở cửa lại dần, trường học từng bước đưa học sinh trở lại, nhưng đều phải có kiểm soát.
Chính quyền các bang lo ngại làn sóng thứ hai nhưng họ không thể ngồi yên chờ đợi trong tình trạng đóng cửa. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã qua giai đoạn đầu của đại dịch nhưng cần duy trì khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc.
Dự thảo về dỡ bỏ dần phong tỏa nêu rõ sẽ tái áp đặt các biện pháp cứng rắn nếu ca nhiễm tăng trở lại. Hiện Đức có tổng cộng hơn 168.000 ca nhiễm và 7.200 ca tử vong.
Khuyến cáo tuân thủ các chỉ dẫn y tế
Tại Pháp, lệnh phong tỏa trên cả nước trong 2 tháng qua sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 11-5 mặc dù số ca tử vong tiếp tục tăng. Ngày 6-5, Bộ Y tế Pháp ghi nhận thêm 278 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong lên hơn 25.800 người. Trong 7 ngày qua, với trung bình số ca nhiễm mới 1.110 ca/ngày, Pháp có tổng cộng hơn 174.000 ca nhiễm. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh nguy cơ làn sóng thứ hai là nghiêm trọng.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có hơn 131.000 ca nhiễm và 3.500 trường hợp tử vong, số người chết do Covid-19 trong tuần qua dưới 100 ca/ngày, số ca nhiễm mới giảm mạnh. Chính phủ Ankara tuyên bố đã kiểm soát và hoàn tất giai đoạn 1 chống dịch, đồng thời khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ những chỉ dẫn y tế.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,2 triệu người nhiễm và 73.000 người tử vong. Các quan chức y tế Mỹ lo lắng khi 50% số bang mở cửa trở lại. Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo việc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể làm gia tăng số ca tử vong mặc dù chính ông đã công bố những chỉ dẫn của chính quyền liên bang về việc mở cửa lại nền kinh tế, giao quyền tự quyết cho các thống đốc. Theo PA Media, số ca nhiễm mới trung bình ở Mỹ vượt quá 20.000 người/ngày và số ca tử vong hơn 1.000 người/ngày.
Ông Josh Michaud, Phó Giám đốc chính sách y tế toàn cầu của Tổ chức Kaiser Family ở Washington nhận định: “Nếu chúng ta nới lỏng hạn chế mà không có các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, chúng ta có thể có thêm nhiều ca nhiễm và cả những ca tử vong”.
PHÚC NGUYÊN