Trung Quốc không đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế

.

Trung Quốc không đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 do tác động của Covid-19; thay vào đó là ưu tiên ổn định việc làm, bảo đảm mức sống cho người dân.

Ngày 22-5, kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) khóa 13 chính thức khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh nhằm thảo luận và thông qua các đạo luật, quyết sách phát triển kinh tế - xã hội. Kỳ họp này diễn ra trong 7 ngày thay vì 10 ngày như mọi năm.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 của Trung Quốc khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh sáng 22-5.                           Ảnh: AP
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13 của Trung Quốc khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh sáng 22-5. Ảnh: AP

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, Bắc Kinh không đặt ra mục tiêu cụ thể về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 bởi tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc không đặt mục tiêu về GDP kể từ khi chính phủ bắt đầu công bố các mục tiêu tăng trưởng từ năm 1990.

Theo đó, năm 2020, chính phủ ưu tiên bảo đảm việc làm và các điều kiện dân sinh cơ bản. Số liệu chính thức cho hay, tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị của Trung Quốc tăng đến 6% trong tháng trước. Song, hãng AP dẫn nguồn từ giới phân tích tư nhân rằng, 130 triệu người lao động ở các đô thị Trung Quốc (khoảng 30%) đã mất việc trong năm nay, trong đó khoảng 25 triệu người mất việc vĩnh viễn.
Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc quyết tâm duy trì tỷ lệ thất nghiệp 6% (năm 2019 dưới 4,5%) bằng cách tạo ra thêm 9 triệu việc làm mới, thấp hơn mục tiêu khoảng 11 triệu việc làm năm 2019. Theo hãng AFP, với con số này, Bắc Kinh thực chất vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng “ngầm” ở mức 2-3% trong năm 2020.

Để kiểm soát dịch bệnh, Trung Quốc nâng mức bội chi ngân sách lên hơn 3,6%, đồng thời phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá 1.000 tỷ NDT (140 tỷ USD). Các nguồn quỹ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ NDT (280 tỷ USD) sẽ được phân bổ cho các địa phương nhằm bảo đảm việc làm, đáp ứng nhu cầu dân sinh và bảo vệ các chủ thể thị trường. Chính quyền các cấp Trung Quốc được yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” với việc giảm trên 50% các khoản chi tiêu không cấp bách. Tất cả khoản quỹ dư, tiền nhàn rỗi và quỹ chuyển tiếp sẽ được tái phân bổ cho những mục đích sử dụng cần thiết. Bắc Kinh cũng sẽ phát hành 3.750 tỷ NDT (526 tỷ USD) trái phiếu chính phủ địa phương đặc biệt trong năm nay nhằm thúc đẩy chi tiêu hạ tầng; đồng thời tiếp tục giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định đây là “những giải pháp đặc biệt cho giai đoạn bất thường”. Đối với ngân sách quốc phòng năm nay, Trung Quốc sẽ tăng 6,6% để đạt mức 1.300 tỷ NDT (178 tỷ USD) nhưng chưa bao gồm các khoản chi như mua các hệ thống vũ khí lớn.

Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các quan chức chính phủ thúc đẩy phát triển thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, bảo đảm nhu cầu dân sinh và sự ổn định của chuỗi cung ứng thương mại. Theo ông, tăng trưởng kinh tế vẫn đóng “vai trò đặc biệt quan trọng”, áp lực về việc làm đã “gia tăng đáng kể”. Hiện nay, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc gần như trở lại bình thường, nhưng tiêu dùng vẫn còn yếu. Các chuyên gia dự báo Trung Quốc có thể đối mặt với quá trình phục hồi “chữ W”. Theo đó, cuối năm nay sẽ diễn ra suy giảm kinh tế lần hai với hàng triệu người mất việc do nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu giảm.

Trước khi xảy ra Covid-19, giới chuyên gia dự báo Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 khoảng 6%. Song dịch bệnh dẫn đến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng -6,8% trong quý 1, khiến mục tiêu nói trên không còn khả thi. Ông Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc (Ngân hàng OCOB) nhận định, việc Bắc Kinh không đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là thực tế, phản ánh tình trạng không chắc chắn toàn cầu do Covid-19 và các căng thẳng địa chính trị. Tuy vậy, ông Xie cho rằng, các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc vẫn thấp hơn mức thường thấy ở nhiều quốc gia khác, chứng tỏ Bắc Kinh đang chừa cho mình “một lựa chọn mở” để nâng mức hỗ trợ nếu tình hình tệ hơn. Trong khi đó, ông Louis Kuijs, Trưởng bộ phận phân tích kinh tế châu Á (Oxford Economics) nhìn nhận, Bắc Kinh đang do dự trong việc tung gói kích thích có thể làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống tài chính nước này.

Chúng tôi không đặt mục tiêu GDP chủ yếu vì đại dịch toàn cầu và những điều bất định to lớn về kinh tế và thương mại. Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức không thể đoán được trong quá trình phát triển”

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.