Vị tổng thống 38 tuổi đối đầu với cả quốc hội và toà án trong chống dịch Covid-19

.

Không có nhiều nhà lãnh đạo thế giới lại gây ra nhiều chỉ trích lẫn khen ngợi cùng lúc như vậy về cách đối phó với đại dịch Covid-19 như vị Tổng thống 38 tuổi của El Salvador, Nayib Bukele.

Tổng thống El Salvador Nayib Bukele tại cuộc họp báo về các biện pháp phong toả đối phó dịch COVID-19. Ảnh: Reuters
Tổng thống El Salvador Nayib Bukele tại cuộc họp báo về các biện pháp phong toả đối phó dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Mặc dù mới chỉ điều hành đất nước chưa đầy 1 năm, tháng 3 vừa qua, ông Bukele đã có bước đi quyết liệt là đóng cửa biên giới đất nước trước cả khi El Savaldor ghi nhận bất cứ ca lây nhiễm Covid-19 nào. Ông đưa ra lập luận rằng quốc gia nhỏ bé vùng Trung Mỹ này cần phải đi trước trong phản ứng phòng chống dịch.

Nhiều người El Salvador ca ngợi hành động quyết đoán của ông Bukele có thể đã giúp đất nước tránh được những tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19. Số khác cho rằng ông đang mở rộng quyền lực của mình khi vi phạm cả hiến pháp, mà gần đây nhất là những xung đột với cả Toà án Tối cao và Quốc hội về việc mở cửa lại đất nước.

Những gì vị tổng thống 38 tuổi thể hiện trên cương vị nhà lãnh đạo quốc gia vẫn đang khiến nhiều người Salvador ngạc nhiên. Ông là vị tổng thống đầu tiên kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến năm 1992 không phải là thành viên một trong hai chính đảng lớn nhất ở El Salvador. 

Ông bà nội của Bukele là người di cư Palestine tới El Salvador và ông đã tranh cử tổng thống như một người am hiểu truyền thông xã hội, một nhân vật "đứng ngoài" làm rung chuyển mọi thứ trong một quốc gia đã bị bào mòn bởi nạn tham nhũng và bạo lực băng đảng khủng khiếp.

Sức mạnh trên truyền thông xã hội

Với gần hai triệu người theo dõi và các cuộc thăm dò trên Twitter thường cho thấy tỷ lệ ủng hộ hơn 90%, Tổng thống Bukele đã phá vỡ khuôn mẫu truyền thống với các chính trị gia trong nước và gây được sự chú ý của quốc tế.

Tổng thống El Salvador chụp ảnh
Tổng thống El Salvador chụp ảnh "tự sướng" khi có bài phát biểu trước Kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Reuters

Năm 2019, ông Bukele thừa nhận đất nước phải chịu trách nhiệm về những điều kiện đã gây ra dòng người di cư chạy trốn sau vụ hai cha con chết đuối bên bờ sông Rio Grande. Trước khi có bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9-2019, Bukele yêu cầu khán giả chờ đợi trong lúc ông chụp ảnh selfie, hành động mà sau đó ông tuyên bố là có ảnh hưởng lớn hơn cả những phát biểu đã chuẩn bị trước của mình.

Nhưng trước khi dịch Covid-19 bùng phát, một số nhà chỉ trích ở El Salvador đã cảnh báo kiểu lãnh đạo "phá cách” của ông Bukele đang làm xói mòn sự phân tách quyền lực và đe doạ nền dân chủ mong manh của đất nước.

Mâu thuẫn với Quốc hội

Tháng 2-2020, khi ông Bukele đề nghị Quốc hội phê chuẩn khoản vay 109 triệu USD để trang bị tốt hơn cho lực lượng cảnh sát. Ttheo lệnh tổng thống, quân đội vũ trang hạng nặng đã được triển khai tại Quốc hội, hành động mà nhiều người El Salvador coi là nỗ lực đe dọa trắng trợn cơ quan lập pháp, dấy lên nguy cơ đẩy đất nước quay trở lại thời kỳ bạo lực chính trị.

Quốc hội El Salvador đã bác bỏ chiến dịch gây áp lực này và vụ việc gây tổn hại tới hình ảnh của ông Bukele ở nước ngoài.

Lực lượng Đặc nhiệm quân sự xông vào quốc hội theo lệnh Tổng thống, ngày 9/2/2020.
Lực lượng Đặc nhiệm quân sự xông vào quốc hội theo lệnh Tổng thống, ngày 9-2-2020.

Vào tháng 3-2020, dịch Covid-19 bùng phát đã mang đến cho ông Bukele một cơ hội khác để hành động quyết đoán, hoặc như các nhà chỉ trích cáo buộc, là củng cố thêm sức mạnh cho chính mình. Sau khi đóng cửa biên giới, ông đưa ra các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt song song với các chính sách hỗ trợ thực phẩm, tiền bạc cho những người Salvador nghèo khó.

Ông ra lệnh cho quân đội bắt giữ những người vi phạm các lệnh hạn chế, đưa hàng ngàn người vào các “trung tâm kiểm dịch” của chính phủ. Khi Tòa án Tối cao phán quyết rằng các vụ bắt giữ là vi hiến và ra lệnh cho ông dừng lại, Bukele từ chối và những người lính tiếp tục thực thi nhiệm vụ trên đường phố.

"Năm người sẽ không quyết định cái chết của hàng trăm ngàn người Salvador", Tổng thống Bukele viết trên Twitter về phán quyết của Toà án Tối cao.

Theo trang woldometers, đến ngày 23-5, El Salvador ghi nhận 1.725 trường hợp mắc Covid-19, và 33 ca tử vong.

Cảnh sát chống bạo động triển khai tại thủ đô San Salvador. Ảnh: Reuters
Cảnh sát chống bạo động triển khai tại thủ đô San Salvador. Ảnh: Reuters

Chiến đấu với các băng đảng

Sau khi làn sóng bạo lực băng đảng gia tăng hồi tháng 4, Tổng thống Bukele đã viết trên Twitter rằng cảnh sát và quân đội có thẩm quyền đáp trả. Nhà lãnh đạo El Salvador ủy quyền cho cảnh sát và quân đội được phép tiêu diệt các phần tử tham gia bạo lực băng đảng sau một ngày cuối tuần chết chóc.

El Salvador đã bị phá hủy bởi hàng thập kỷ bạo lực băng đảng ngoài tầm kiểm soát, khiến nơi đây trở thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới.

Tù nhân tại nhà tù Izalco, nơi bị phong toả theo lệnh của Tổng thống Nayib Bukele. Ảnh: CNN
Tù nhân tại nhà tù Izalco, nơi bị phong toả theo lệnh của Tổng thống Nayib Bukele. Ảnh: CNN

Tranh cãi về vấn đề mở cửa lại đất nước

Cuộc chiến về việc ai có quyền quyết định thời hạn các lệnh phong toả tại El Salvador sẽ còn căng thẳng chừng nào dịch bệnh chưa kết thúc.

Tổng thống Bukele cho biết ông muốn đất nước bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 6-6, nhưng các nhà lập pháp tại Quốc hội nói rằng thời điểm đó cần phải sớm hơn. Hôm 18-5, Tòa án Tối cao El Salvador đã bác bỏ chính sách của ông Bukele, tuyên bố ông không có thẩm quyền gia hạn các biện pháp chống dịch, đồng thời kêu gọi Quốc hội và Tổng thống hợp tác để mở cửa lại đất nước.

Nhưng ngay cả khi các nhà lập pháp đề xuất dự luật lập tức dỡ bỏ các biện pháp phong toả, ông Bukele tuyên bố sẽ không ký ban hành luật.

Một cuộc đấu khác cũng xuất hiện khi các nhà lập pháp soạn thảo dự luật tìm cách khắc chế quyền lực Tổng thống. “Đây là một đạo luật sẽ ảnh hưởng to lớn tới người dân Salvadors. Ơn Chúa, tôi có thể phủ quyết nó”, ông Bukele viết trên Twitter.

Theo CNN

;
;
.
.
.
.
.