EU - Trung Quốc xoa dịu căng thẳng

.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) ngày 22-6 tổ chức họp trực tuyến nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai bên liên quan hàng loạt vấn đề như: các mức thuế mới của EU, hay “lục địa già” cáo buộc Bắc Kinh công bố thông tin sai lệnh về đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đại diện EU tham dự cuộc họp với Trung Quốc. Ảnh: AP
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đại diện EU tham dự cuộc họp với Trung Quốc. Ảnh: AP

Năm 2020 kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa EU và Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh EU và Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện lâu dài. Song, khối gồm 27 thành viên và Bắc Kinh hiện bất đồng về hàng loạt vấn đề, từ thương mại, đầu tư đến an ninh quốc gia.

Theo hãng tin Reuters, hội nghị trực tuyến ngày 22-6 là lần đối thoại chính thức đầu tiên giữa EU và Trung Quốc sau khi mối quan hệ có nhiều rạn nứt do “lục địa già” cáo buộc Bắc Kinh công bố thông tin sai lệch về Covid-19, dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu. Chủ trì điểm cầu Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Phía EU do bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, làm đại diện.

Trước thềm hội nghị, một quan chức cấp cao của EU ở Brussels (Bỉ) khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Trung Quốc. Chúng tôi mong Trung Quốc nối lại trách nhiệm là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới”. Song, không ai kỳ vọng về việc có được tuyên bố chung tại hội nghị.

Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming tuần trước nhận định, cuộc họp trực tuyến vào ngày 22-6 là cơ hội để đưa quan hệ song phương “hiệu quả hơn và thực chất hơn bằng việc nắm bắt các cơ hội, giải quyết những thách thức”. Tuy nhiên, ông Zhang Ming than phiền rằng, kế hoạch của EU nhằm siết chặt các quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài được nhận nhiều trợ cấp của chính phủ, trong đó đặc biệt nhắm tới các công ty Trung Quốc. Nhà ngoại giao này cho rằng, EU không thực hiện sự minh bạch như lời kêu gọi mà chính khối này đưa ra với các nước khác.

Tuần trước, EU đã áp thuế lên vải sợi thủy tinh của các nhà sản xuất Trung Quốc sau khi phát hiện các công ty này nhận được trợ cấp nhà nước một cách không công bằng. Trong báo cáo kết luận, EC - cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 thành viên EU - cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đã được cho vay ưu đãi, cho thuê đất giá rẻ, sử dụng điện giá rẻ cùng nhiều khoản trợ cấp, cắt giảm thuế khác. Vì vậy, các công ty Trung Quốc có thể bán vải sợi thủy tinh với giá rất thấp ở châu Âu.

Hãng Reuters cũng dẫn lời các quan chức EU cho hay, Trung Quốc tìm cách gây sức ép với các nước thuộc khối này vốn chỉ trích Bắc Kinh trong việc ứng phó với Covid-19. Cũng theo các quan chức EU, Bắc Kinh đã dùng mạng xã hội để lan truyền tin giả rằng châu Âu bỏ rơi bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ mọi chỉ trích.   

Ngoài quan hệ EU - Trung Quốc trở nên căng thẳng, mối quan hệ Mỹ - Trung cũng là tâm điểm hiện nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lấy đi việc làm của nước ông, đánh cắp sở hữu trí tuệ và vi phạm các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông Trump cũng cáo buộc Bắc Kinh che giấu  vấn đề virus ở Vũ Hán.

Song, không giống Mỹ, EU có cách tiếp cận cân bằng hơn khi mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” và là “đối thủ cạnh tranh, đồng thời là đối tác trong nhiều vấn đề”. Cao ủy đối thoại của EU, ông Josep Borrell, muốn có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Trong các cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tuần trước, ông Borrell đề xuất tổ chức đối thoại với Washington nhằm xây dựng một mặt trận xuyên Đại Tây Dương chống lại Bắc Kinh. Song, cũng chính ông Borrell nhấn mạnh, EU phải theo đuổi lợi ích của riêng mình và không đơn thuần tham gia vào các chính sách của Mỹ.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.