Đàm phán marathon và thỏa thuận lịch sử của EU

.

Sau gần 5 ngày đàm phán căng thẳng tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về quỹ phục hồi 750 tỷ euro, cùng với đó là ngân sách gần 1.100 tỷ euro cho 7 năm tới.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels. Ảnh: AFP/Getty Images
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh EU, ông Charles Michel, mô tả việc đạt được thỏa thuận lúc 5 giờ 15 ngày 21-7 là “thời điểm quan trọng” cho “lục địa già”. Ông Michel viết trên Twitter: “Deal” (Đàm phán xong). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định: “Đây là sự thay đổi lịch sử cho châu Âu”.

Việc hội nghị phải kéo dài sang ngày thứ 5 hoàn toàn không có trong kịch bản, chủ yếu do bất đồng về quỹ phục hồi. Mặc dù các nhà lãnh đạo vẫn cười chào nhau sau chiếc khẩu trang và thay thế việc bắt tay, ôm hôn bằng chạm khuỷu tay, rồi tặng quà chúc mừng sinh nhật lần thứ 66 dành cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhưng các cuộc đàm phán vẫn diễn ra căng thẳng. Ngay trong tối 18-7, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron đã đứng dậy, bỏ ra khỏi phòng họp. Cuộc đàm phán hôm 19-7 lại căng thẳng khi ông Macron dọa bỏ họp. Các ngày họp sau đó, một số nhà lãnh đạo đã bực bội công kích nhau vì những quan điểm khác biệt. Nhưng cuối cùng mọi chuyện lại tiến triển theo hướng tích cực.

Theo hãng AFP, diễn ra gần 5 ngày đêm (từ ngày 17-7 đến 21-7), đây là hội nghị thượng đỉnh dài nhất trong các kỳ họp của EU kể từ kỷ lục của cuộc họp tại Nice (Pháp) hồi năm 2000. Lúc đó, ông Jacques Chirac làm Tổng thống Pháp đã tuyên bố: “Thật không bình thường khi chúng ta hoàn thành cuộc họp lúc 5 giờ sáng”.

20 năm sau, lần này, EU nhóm họp trong lúc xảy ra đại dịch Covid-19 và những cảnh báo về khả năng không tìm được tiếng nói chung đối với quỹ phục hồi, bởi các nước giàu có ở Bắc Âu từ chối hỗ trợ các nước nghèo hơn ở Nam Âu - những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 nhưng bị đánh giá là có kỷ luật ngân sách lỏng lẻo nhất. Phát biểu với báo giới ở Brussels, ông Michel nhấn mạnh: “Thỏa thuận này là tín hiệu cụ thể cho thấy châu Âu là lực lượng hành động”.

Chính ông Michel đã đưa ra đề xuất mới và được các nhà ngoại giao đánh giá là “con đường hướng tới thỏa thuận”. Cụ thể, ông đề nghị khoản hỗ trợ 390 tỷ euro đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm “thắt lưng buộc bụng” (gọi là nhóm “Frugals”) bao gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan. Con số 390 tỷ euro này thấp hơn nhiều so với khoản trợ cấp 500 tỷ euro như đề xuất ban đầu. Đề xuất mới của ông Michel đã nhận được sự ủng hộ của 27 nước thành viên để sau đó trình Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Hà Lan dẫn đầu nhóm “Frugal” khẳng định rằng, việc trợ cấp cho Ý, Tây Ban Nha và các nước Địa Trung Hải khác chủ yếu bằng các khoản vay, chứ không cho không. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte xác nhận việc có một số tranh cãi, nhưng ông vẫn mô tả mối quan hệ nồng ấm với người đồng cấp Ý Giuseppe Conte.

Hãng Reuters cho biết, Thủ tướng Conte hài lòng với thỏa thuận khi cho rằng, kế hoạch của EU sẽ cho phép chính phủ của ông thay đổi nước Ý, đồng thời giúp khối 27 thành viên này đối mặt với khủng hoảng Covid-19 trong “sức mạnh và hiệu quả”. Trong quỹ phục hồi 750 tỷ euro, Ý sẽ nhận 28%, tức 208 tỷ euro; trong đó 81 tỷ euro được tài trợ và 127 tỷ euro là khoản vay. Thủ tướng Conte bác bỏ tin đồn cho rằng chính phủ của ông ở bên bờ vực bế tắc. Nhà lãnh đạo này khẳng định, thỏa thuận của EU “củng cố hành động của chính phủ Ý”.

Trong khi đó, Tây Ban Nha sẽ nhận 140 tỷ euro. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, 72,7 tỷ euro là khoản tài trợ và còn lại là khoản vay. Sau khi đàm phán xuyên đêm 20-7, nhà lãnh đạo này gọi việc có được tiếng nói chung là “thỏa thuận tuyệt vời cho châu Âu và cho Tây Ban Nha”.

Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 135.000 công dân châu Âu và đẩy nền kinh tế của “lục địa già” vào suy thoái nghiêm trọng nhất với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay. Trong bối cảnh đó, hãng AFP nhận định, thỏa thuận lần này là thắng lợi đặc biệt đối với Tổng thống Macron, người tiếp quản Điện Élysée vào năm 2017 với cam kết củng cố EU. Thủ tướng Merkel - người đã cùng ông Macron khởi xướng quỹ phục hồi - cũng có một sinh nhật đáng nhớ ở nhiệm kỳ cuối cùng trên cương vị Thủ tướng và Chủ tịch luân phiên EU.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.