Châu Âu đang trở lại “những ngày đen tối” khi nhiều nước áp đặt lệnh tái phong tỏa để ngăn chặn Covid-19.
Lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Cologne của Đức. Ảnh: Getty Images |
Các chính phủ châu Âu bị chỉ trích rằng, việc thiếu sự phối hợp và lơ là trong giai đoạn dịch bệnh tạm lắng vừa qua khiến các bệnh viện giờ đây có nguy cơ quá tải một lần nữa vì số ca mắc Covid-19 tăng vọt.
“Virus đang lây lan khắp nước Pháp”
Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, ông không thể ngồi im chờ miễn dịch cộng đồng bởi sẽ có 400.000 người chết vì Covid-19 tại nước này. Trong bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 28-10, ông Macron tuyên bố phong tỏa cả nước lần thứ hai từ ngày 30-10 đến ít nhất là ngày 1-12 nhằm giảm số ca mắc Covid-19 trung bình từ 40.000 người/ngày hiện nay xuống còn 5.000 người/ngày. “Virus đang lây lan khắp nước Pháp với tốc độ mà ngay cả những người bi quan nhất cũng không dự đoán được”, ông Macron nói.
Theo Reuters, với lệnh phong tỏa lần hai, người dân phải ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Người dân được phép ra ngoài tập thể dục nhưng tối đa 1 tiếng mỗi ngày và phải giữ khoảng cách với người khác. Bar, nhà hàng và các dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Trường học vẫn mở cửa, nhân viên đi làm nếu chủ doanh nghiệp tuyên bố công việc không thể làm từ xa. Sinh viên ở các trường đại học duy trì việc học trực tuyến. Các vận động viên chuyên nghiệp vẫn được phép tập luyện và thi đấu. Cảnh sát sẽ hỏi bất kỳ ai đi trên đường và kiểm tra giấy được phép ra ngoài. Reuters gọi đây là “những ngày đen tối”. Song, Tổng thống Macron khẳng định: “Nền kinh tế không ngừng lại, cũng không sụp đổ”.
Trong bài phát biểu, ông Macron cho biết, lệnh giới nghiêm được áp dụng ở thủ đô Paris và các thành phố lớn khác cách đây 2 tuần không thể ngăn chặn được làn sóng thứ hai của dịch bệnh. “Như những nước khác ở châu Âu, chúng ta đang phải ứng phó với làn sóng thứ hai, vốn khó khăn và nguy hiểm hơn làn sóng thứ nhất”, ông Macron nói. Người đứng đầu Điện Elysée cam kết nếu kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt hơn sau 2 tuần, chính phủ sẽ đánh giá lại và có thể mở cửa một số doanh nghiệp, nhất là dịp Giáng sinh. Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Pháp (Medef) Geoffroy Roux de Bezieux cho rằng, việc tái phong tỏa sẽ dẫn đến thiệt hại cho GDP từ 50-75 tỷ euro.
Cơ quan y tế Sante Publique của Pháp ngày 28-10 ghi nhận thêm hơn 36.000 ca mắc Covid-19 và 244 ca tử vong. Theo đó, Pháp có tổng cộng hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 35.700 ca tử vong, con số tử vong cao thứ ba ở châu Âu (sau Anh và Ý).
“Chúng ta phải hành động ngay lúc này”
Tại Đức, CNN cho biết, Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh - ngày 28-10 ghi nhận hơn 16.700 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nền kinh tế số 1 châu Âu lên hơn 481.000. RKI cũng ghi nhận thêm 89 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 10.200.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 29-10, Thủ tướng Angela Merkel đề cập việc thực hiện lệnh bán phong tỏa từ ngày 2-11, kéo dài 4 tuần. Bà Merkel nói: “Chúng ta phải hành động và phải hành động ngay lúc này”, bởi nếu không làm gì thì hệ thống y tế sẽ “tới giới hạn cực đại trong vài tuần”. Bà thừa nhận “tình huống khó khăn” khi nước Đức bước vào mùa đông, nhưng nếu vượt qua mùa đông tốt đẹp thì sẽ từng bước vượt qua đại dịch trong năm tới và phục hồi kinh tế.
Theo Reuters, bà Merkel thúc giục mọi người ở nhà, hạn chế đi lại trong và ngoài nước nếu không thực sự cần thiết; đồng thời ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, bar và nhà hát từ ngày 2-11 đến hết ngày 30-11. Trường học và các cửa hàng buôn bán vẫn được mở cửa nhưng hạn chế số người ra vào cùng lúc. Nữ Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu của chính phủ liên bang và tiểu bang là nhanh chóng làm gián đoạn các tác nhân lây nhiễm để không cần phải đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt hơn trong mùa Giáng sinh tới và cũng không phải áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trong khi đó, Ý - quốc gia bùng phát dịch đầu tiên ở châu Âu - đang cân nhắc tái phong tỏa thành phố Milan và Napoli. Chính phủ Hungary áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với các hoạt động tập trung đông người, tăng tiền phạt đối với những người vi phạm quy định phòng dịch như không đeo khẩu trang. Chính quyền thủ đô Moscow của Nga gia hạn quy định làm việc tại nhà đối với các doanh nghiệp đến ngày 29-11.
Tại Anh, theo Reuters, Bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick ngày 29-10 nói rằng, chính phủ sẽ làm mọi việc để tránh tiến hành phong tỏa cả nước lần hai.
PHÚC NGUYÊN