Cuộc bầu cử tốn kém nhất ở Mỹ

.

Theo ước tính của Center for Responsive Politics (CRP), tổ chức độc lập chuyên theo dõi hoạt động chi tiêu trong chính trị ở Mỹ, mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử cường quốc này.

Cử tri đi bỏ phiếu sớm tại Thư viện cộng đồng hạt Scott ở Georgetown, bang Kentucky ngày 13-10-2020. Ảnh: Reuters
Cử tri đi bỏ phiếu sớm tại Thư viện cộng đồng hạt Scott ở Georgetown, bang Kentucky ngày 13-10-2020. Ảnh: Reuters

CRP ước tính các khoản chi tiêu cho cuộc bầu cử năm nay sẽ vượt qua mọi kỷ lục vì tác động của đại dịch Covid-19.

Phụ thuộc vào quảng cáo trên truyền hình và nền tảng số

Báo New York Times cho hay, trong đại dịch Covid-19, các ứng cử viên không thể duy trì những hoạt động vận động tranh cử trực tiếp như thông lệ. Do đó, họ phải phụ thuộc nhiều hơn vào quảng cáo trên truyền hình và trên các nền tảng số.

Bà Sheila Krumholz, Giám đốc điều hành CRP nhận định: “Nếu cuộc bầu cử năm 2018 phá vỡ mọi kỷ lục gây quỹ cho cuộc bầu cử giữa kỳ thì năm 2020 sẽ xóa tan bất cứ thứ gì chúng ta đã thấy, hoặc đã hình dung trước đây”. Bà Krumholz nói: “Đây là cuộc bầu cử tổng thống tốn kém nhất trong lịch sử và vẫn còn nhiều tháng chi tiêu nữa sẽ được tính đến”.

Càng gần tới ngày bầu cử chính thức 3-11, chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden càng “dốc hầu bao” mạnh tay hơn. Theo tính toán của CRP, tổng chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 của cả hai đảng sẽ là 5,2 tỷ USD. Cuộc bầu cử năm 2008 giữ kỷ lục là cuộc bầu cử tổng thống tốn kém nhất với chi phí 2,8 triệu USD (đã tính yếu tố lạm phát).

Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump và đảng Cộng hòa đã khởi động đợt vận động mới với lợi thế lớn hơn về số tiền huy động được. Họ cũng chi tiêu mạnh hơn cho các hoạt động của chiến dịch, tới cuối tháng 8 đã tiêu tốn gần 1 tỷ USD trong số 1,3 tỷ USD huy động được.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của ông Biden và đảng Dân chủ bắt đầu với số tiền ít hơn đảng Cộng hòa, nhưng sau đó có thời điểm vượt qua đảng Cộng hòa ở phương diện này. Trong tháng 8, nhóm của ông Biden huy động được 365 triệu USD, trong khi nhóm của ông Trump huy động 210 triệu USD. Ứng cử viên đảng Dân chủ bước vào tháng 9 với 466 triệu USD huy động được, trong khi đương kim Tổng thống chỉ vận động được 325 triệu USD ở cùng thời điểm.

Tuy nhiên, các số liệu này liên tục dao động, trồi sụt. Tính tới ngày 20-9, theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử liên bang, ông Biden và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ huy động được 990 triệu USD, trong khi Tổng thống Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa huy động được 1,33 tỷ USD. Các số liệu này được cập nhật mỗi tháng một lần nên sẽ còn ít nhất một lần cập nhật trước ngày bầu cử 3-11.

Tiền không phải là tất cả

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu truyền thông CMAG (Mỹ), đến nay hơn 1,3 tỷ USD đã được chiến dịch vận động của hai đảng chi cho quảng cáo trên truyền hình và trên các nền tảng số, trong đó đảng Dân chủ chi 709 triệu USD, đảng Cộng hòa chi 627 triệu USD. Còn theo hãng tin Quartz, khi ngày bầu cử chỉ còn cách khoảng 3 tuần nữa, mỗi ứng cử viên tổng thống đều đã chi hơn 350 triệu USD cho các chiến dịch vận động tranh cử của họ.

Ngoài chi tiêu của các chiến dịch tranh cử, tổng số tiền chi của các tổ chức bên ngoài như các Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) và các tổ chức phi lợi nhuận chính trị cũng đã vượt qua 1,2 tỷ USD trong mùa bầu cử 2020, trong đó hơn 460 triệu USD chi cho cuộc đua vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, không phải cứ chi tiêu nhiều hơn thì ứng cử viên sẽ giành được nhiều phiếu hơn. Mối quan hệ giữa việc gây quỹ tranh cử và việc giành chiến thắng khá phức tạp. Không phải mọi cử tri đều có thể bị “lung lay” ngay cả khi ứng cử viên chi tiền “mạnh tay”. Nhiều cử tri thường bỏ phiếu theo quan điểm của đảng họ ủng hộ và họ vẫn luôn làm như vậy suốt vài chục năm qua. Thực tế, có một số bằng chứng cho thấy quảng cáo không hiệu quả, trong khi đây lại là phần “ngốn” đáng kể ngân sách tranh cử.

Bởi vậy, từ lâu giới chuyên gia cảnh báo rằng, mặc dù giữa việc chi tiêu và thành công trong chiến dịch tranh cử có mối quan hệ mật thiết, nhưng sẽ sai lầm khi nghĩ rằng tiền là yếu tố quyết định mang lại chiến thắng cho một ứng cử viên tổng thống.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.