Hướng đến thế giới không có vũ khí hạt nhân

.

Hiện 50 nước đã phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), mở đường để hiệp ước này có hiệu lực sau 90 ngày nữa. 

Mỹ không tham gia hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. TRONG ẢNH: Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Louisiana ở căn cứ hải quân Kitsap-Bangor (Mỹ). Ảnh: Nikkei
Mỹ không tham gia hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. TRONG ẢNH: Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Louisiana ở căn cứ hải quân Kitsap-Bangor (Mỹ). Ảnh: Nikkei

Hãng AFP dẫn thông báo của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, Honduras là quốc gia thứ 50 phê chuẩn TPNW và hiệp ước này sẽ có hiệu lực từ ngày 22-1-2021.

Việc Honduras phê chuẩn TPNW diễn ra đúng dịp LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, TPNW thể hiện cam kết ý nghĩa hướng đến việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. “Giải giáp hạt nhân là ưu tiên của LHQ kể từ khi thành lập. 75 năm qua, chúng ta đã chứng kiến mức độ tàn khốc của các quả bom nguyên tử tại hai thành phố Hirosima và Nagasaki. Thế giới tiếp tục sống trong bóng tối của những thảm họa hạt nhân… Xóa bỏ vũ khí hạt nhân không chỉ cứu quốc gia mà còn cứu cả hành tinh này. Vì lợi ích an ninh, thế giới cần đi chung trên một con đường không có vũ khí hạt nhân”, ông Guterres nhấn mạnh.

Các tổ chức phi chính phủ hoan nghênh việc TPNW đủ điều kiện cần thiết để có hiệu lực, trong đó có tổ chức chiến dịch Quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), vốn đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy LHQ thông qua TPNW và được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017. Hãng AFP cũng dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Peter Maurer gọi đây là “chiến thắng của nhân loại và một cam kết về tương lai an toàn hơn”.

Theo AFP, TPNW cấm sử dụng phát triển, sản xuất, thử nghiệm, bố trí, dự trữ và đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Tháng 7-2017, Đại hội đồng LHQ đã thông qua TPNW với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên. Tính đến ngày 24-10, có 84 quốc gia/vùng lãnh thổ ký kết TPNW, nhưng không phải tất cả đều phê chuẩn hiệp ước. Theo quy định, 90 ngày sau khi nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 50 quốc gia/vùng lãnh thổ, TPNW sẽ chính thức có hiệu lực.

Điều đáng nói, các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đều không ký hiệp ước. Ngay cả Nhật Bản, nước từng hứng chịu các cuộc tấn công vũ khí nguyên tử, cũng không ký hiệp ước này. Phát biểu với báo giới ngày 25-10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói: “Chúng ta không thể không đặt câu hỏi về tính hiệu quả của hiệp ước khi các cường quốc hạt nhân đều không tham gia”.

Trong khi đó, các nhà hoạt động muốn thúc đẩy ban hành TPNW và hy vọng hiệp ước không đơn thuần mang tính biểu tượng mà sẽ có thể thay đổi hành vi của những nước không tham gia. ICAN bày tỏ hy vọng các công ty ngừng sản xuất vũ khí hạt nhân và các tổ chức tài chính cũng ngừng đầu tư cho các công ty sản xuất vũ khí hạt nhân. Giám đốc điều hành ICAN Beatrice Fihn cho rằng, việc TPNW có hiệu lực là một chương mới trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, điều này phù hợp với mục tiêu của LHQ. “LHQ được thành lập nhằm thúc đẩy hòa bình và xóa bỏ vũ khí hạt nhân…

Cuộc vận động kéo dài hàng thập niên đã đạt được điều mà nhiều người nói là không thể, đó là cấm vũ khí hạt nhân”, bà Fihn nói.

Theo AP, Nga và Mỹ hiện là hai nước sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. Cả Washington lẫn Moscow đang nỗ lực đàm phán để gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021, nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà mỗi bên được triển khai ở mức 1.550. Mỹ muốn đàm phán lại New START để Trung Quốc cùng tham gia, trong khi Nga sẵn sàng gia hạn hiệp ước mà không kèm điều kiện bổ sung.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.