Ông Joe Biden: Đã đến lúc hàn gắn nước Mỹ

.

Sáng 8-11 (giờ Việt Nam), từ bang Delaware, ứng cử viên của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, phát biểu tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đồng thời cam kết về “một đất nước đoàn kết”.

Ông Joe Biden và bà Kamala Harris có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng ở thành phố Wilmington, bang Delaware tối 7-11 (sáng 8-11, giờ Việt Nam). Ảnh: AP
Ông Joe Biden và bà Kamala Harris có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng ở thành phố Wilmington, bang Delaware tối 7-11 (sáng 8-11, giờ Việt Nam). Ảnh: AP

Gần 24 giờ đêm 7-11 (giờ Việt Nam), truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin: Ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ sau khi chiến thắng tại bang Pennsylvania. Theo đó, tính đến chiều 8-11 (giờ Việt Nam), theo Reuters và CNN, ông Biden có 279 phiếu đại cử tri, vượt mốc 270 phiếu cần thiết để đắc cử, trong khi đương kim Tổng thống Donald Trump có 214 phiếu. Các hãng tin AP và Fox News đưa tin số phiếu đại cử tri dành cho hai ứng cử viên lần lượt là 290 và 214. Như vậy, về mặt lý thuyết, ông Biden sẽ trở thành tổng thống cao tuổi nhất nước Mỹ (78 tuổi). Bà Kamala Harris, “Phó tướng” của ông Biden, sẽ trở thành người phụ nữ, người da màu, người gốc Nam Á đầu tiên đắc cử chức phó tổng thống Mỹ.

“Hãy cho nhau cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng”

Reuters cho biết, phát biểu trước những người ủng hộ ở quê nhà - bang Delaware, sau khi có thông tin về chiến thắng ở bang Pennsylvania, ông Biden mô tả mình là nhà lãnh đạo “tìm kiếm sự đoàn kết chứ không chia rẽ”, là người “sẽ làm việc với tất cả nhiệt huyết để giành được sự tín nhiệm của toàn thể nhân dân”.

Theo AP, ông Biden dùng bài phát biểu tuyên bố chiến thắng để hướng đến những người không bỏ phiếu cho mình. Vị chính trị gia của đảng Dân chủ gửi tới những người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump rằng, ông hiểu nỗi thất vọng của họ nhưng “hãy cho nhau cơ hội”. “Đã đến lúc dẹp bỏ những công kích gay gắt, để hạ nhiệt căng thẳng, để nhìn lại nhau, để lắng nghe nhau. Để đạt tiến bộ, chúng ta phải ngừng đối xử với những đối thủ của mình như kẻ thù”, ông Biden nói và nhấn mạnh: “Đây là thời điểm để hàn gắn nước Mỹ”. Ông Biden cũng xác định nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tổng thống bao gồm: kiểm soát đại dịch Covid-19, xây dựng sự thịnh vượng, bảo đảm chăm sóc y tế cho các gia đình, đấu tranh cho sự bình đẳng sắc tộc và loại bỏ vấn nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở nước Mỹ, chống lại biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định, cuộc bầu cử “còn lâu mới kết thúc”. Từ ngày 9-11, đội ngũ chiến dịch của ông Trump sẽ bắt đầu quá trình khiếu kiện tại tòa án.

Bầu cử năm nay được xem là cuộc trưng cầu dân ý đối với ông Trump trong 4 năm làm tổng thống. Đại dịch Covid-10 đẩy nước Mỹ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng về y tế và kinh tế nghiêm trọng nhất; tỷ lệ thất nghiệp theo đó tăng cao gần bằng thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Bức tranh u ám đã phủ bóng lên những thành tựu trước đó của chính phủ ông Trump.

Ngày 7-11, giới chức Mỹ ghi nhận có thêm ít nhất 131.400 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở cường quốc này lên 9,91 triệu ca. Số ca tử vong ở Mỹ lên đến 237.000 người. Thêm vào đó là hàng triệu người thất nghiệp. Ngày cuối cùng diễn ra chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên cũng đánh dấu số ca nhiễm mới gia tăng ở hầu hết các bang, trong đó có các bang chiến địa như Wisconsin - nơi từ sắc đỏ đã chuyển sang sắc xanh. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, nếu trở thành tổng thống, ông Biden - người đã trải qua nửa thế kỷ làm thượng nghị sĩ và phó tổng thống - sẽ đối mặt hàng loạt thách thức, trong đó có việc khôi phục kinh tế như khẩu hiệu mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử: “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” (Build back better).

Lãnh đạo thế giới chúc mừng ông Biden

Với những lùm xùm hiện tại, chưa rõ ông Biden có hiện thực hóa được giấc mơ vào Nhà Trắng hay không. Song, theo Reuters, một số đồng minh lớn nhất và thân thiết nhất của Mỹ đã nhanh chóng chúc mừng thắng lợi của ông Biden. Đức, Canada và Pháp, các quốc gia vốn có quan hệ căng thẳng với chính phủ của ông Trump, khẳng định sẽ tìm kiếm sự hợp tác với “Tổng thống Biden”. “Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta là không thể thay thế nếu chúng ta làm chủ được những thách thức lớn của thời đại”, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố trên Twitter. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho rằng, chính phủ mới của ông Biden có thể sẽ “cài đặt lại” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng, ông muốn giải quyết “những thách thức lớn nhất của thế giới” với chính phủ mới của Mỹ, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Thủ tướng Anh Boris Johnson, có mối quan hệ êm đẹp hơn với Tổng thống Trump, cũng đề cập vấn đề khí hậu khi chúc mừng ông Biden. “Tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ cùng nhau đối với những vấn đề ưu tiên của chúng ta, từ biến đổi khí hậu đến thương mại và an ninh”, ông Johnson cho hay.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi việc ông Joe Biden giành chiến thắng, đồng thời kêu gọi củng cố hơn nữa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trên Twitter, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng bày tỏ mong muốn được làm việc với chính phủ mới của Mỹ để củng cố hơn nữa quan hệ đồng minh giữa hai nước; bảo đảm hòa bình, tự do, thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế.

Ngày 20-1-2021, tổng thống tuyên thệ nhậm chức

Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là trọng tài cuối cùng xác định ứng cử viên tổng thống nào giành chiến thắng ở từng bang. Quốc hội phải thông qua kết quả bầu cử của tất cả 50 bang. Các đại cử tri sẽ gặp nhau tại tiểu bang của mình và bỏ phiếu bầu tổng thống.

Ngày 3-1-2021: Quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức. Ngày 20-1-2021: Tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.