Quốc tế
SARS-CoV-2 có biến thể mới, châu Âu căng thẳng
Biến thể mới của SARS-CoV-2 được xác định ở Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định phong tỏa thủ đô London và khu vực đông nam nước này. Một số quốc gia châu Âu khác cũng áp đặt phong tỏa trở lại.
Người dân đi lại trên đường phố ở Rome (Ý) đều mang khẩu trang. Ảnh: EPA/EFE |
Hãng tin Reuters cho biết, 2 tuần qua, các nhà chức trách Anh ghi nhận biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện trên khoảng 1.000 người ở London và khu vực đông nam. Các nhà khoa học Anh tin rằng, biến thể mới không gây tình trạng nghiêm trọng hơn nhưng có khả năng lây lan bệnh cao hơn 70%. Song, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa có bằng chứng cho thấy biến thể mới này hoạt động khác với những chủng đã được ghi nhận.
Thủ tướng Boris Johnson đã hủy bỏ kế hoạch nới lỏng những hạn chế, thông báo lệnh phong tỏa mới đối với thủ đô London và khu vực đông nam, áp dụng các biện pháp hạn chế bậc 4 kể từ 0 giờ ngày 20-12. “Khi virus thay đổi cách tấn công, chúng ta cần thay đổi cách phòng vệ. Chúng ta phải hành động dựa trên thông tin mà chúng ta có vì dịch bệnh lây lan rất nhanh. Chúng ta không thể tiếp tục kế hoạch Giáng sinh như dự kiến”, ông Johnson phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19-12.
Theo đó, người dân tại những vùng phải áp dụng các biện pháp hạn chế bậc 4 sẽ không được gặp hộ gia đình khác. Còn người dân sống ở những khu vực khác sẽ chỉ được gặp vào một ngày trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh, thay vì 5 ngày như kế hoạch ban đầu. Reuters cho hay, lệnh mới này ảnh hưởng đến 16,4 triệu người dân, họ phải ở nhà, trừ trường hợp đặc biệt như đi làm việc. Các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và các hoạt động giải trí trong nhà ngừng hoạt động.
Tại Scotland, chính quyền thông báo sẽ áp đặt lệnh cấm đến những vùng còn lại của Vương quốc Anh và chỉ nới lỏng các hoạt động đến ngày 25-12. Trong khi đó, xứ Wales ban hành các biện pháp hạn chế bậc 4 từ 0 giờ ngày 20-12. Hà Lan là nước đầu tiên có lệnh cấm máy bay từ Anh, có hiệu lực từ 6 giờ ngày 20-12 đến 1-1-2021 và đang xét áp đặt hạn chế đối với các hình thức vận tải khác. Chính phủ Hà Lan cũng kêu gọi công dân không đi du lịch nước ngoài, trừ khi thực sự cần thiết.
Chính phủ Ý đặt cả nước vào “vùng đỏ”, với những biện pháp hạn chế kéo dài gần hết kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, từ ngày 21-12 đến 6-1-2021. Reuters cho biết, các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, bar phải đóng cửa. Người dân được phép di chuyển để đi làm, đến bệnh viện hoặc vì những lý do khẩn cấp khác. Khách đến thăm nhà không được quá 2 người/ngày. Giờ giới nghiêm vẫn từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte gọi những biện pháp hạn chế mà chính phủ đưa ra là “quyết định đau đớn”. “Các chuyên gia của chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng số ca nhiễm sẽ gia tăng trong dịp Giáng sinh. Vì vậy, chúng ta phải hành động”, ông Conte nói. Nhà lãnh đạo Ý cũng cho hay, từ ngày 27-12, chính phủ sẽ triển khai tiêm vắc-xin để chấm dứt “cơn ác mộng Covid-19”.
Áo cũng bước vào đợt phong tỏa thứ ba và sẽ dỡ giới hạn sớm hơn cho những người xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Theo hãng tin AFP, lệnh phong tỏa mới sẽ bắt đầu vào ngày 26-12. Các cửa hiệu, nhà hàng, rạp hát, bảo tàng và trường học sẽ mở cửa trở lại vào ngày 18-1-2021. Những người không xét nghiệm sẽ phải tuân theo các biện pháp hạn chế đến ngày 24-1-2021.
Cộng hòa Czech cũng kêu gọi người dân tôn trọng những biện pháp hạn chế và chỉ nên đón Giáng sinh ở nhà cùng gia đình. Chính phủ Czech đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào đêm Giáng sinh và cho phép mọi người đi lễ lúc nửa đêm. Song, việc hát thánh ca bị cấm và những người đi lễ phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel thúc giục người dân không thăm lẫn nhau trong dịp Giáng sinh mà nên gọi điện thoại video, đồng thời tránh giao tiếp xã hội. Ngày 19-12, Đức ghi nhận hơn 31.000 ca nhiễm mới và 702 ca tử vong do Covid-19.
75 triệu là số người mắc Covid-19 trên toàn cầu, tính đến ngày 19-12, trong lúc một số quốc gia bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để ngăn chặn virus lây lan. Châu Âu hiện là khu vực có số ca nhiễm nhiều nhất (21,6 triệu); tiếp đó là Bắc Mỹ (17,9 triệu); Mỹ Latinh (14,5 triệu) và châu Á (13 triệu). (Theo Reuters) |
VĨNH AN