Sự ra đời của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước (gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) ký kết vào tháng 3-2018, mà tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút đi vào năm 2017, đánh dấu bước ngoặt lớn trong dòng chảy thương mại khu vực và toàn cầu.
Tuy ra đời mới trong 2 năm, lại phải đối diện với đại dịch Covid-19, nhưng CPTPP bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh “chủ nghĩa bảo hộ” của Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump chi phối, vai trò của CPTPP càng có ý nghĩa hết sức lớn lao. CPTPP đã đưa các nền kinh tế bổ sung đến gần nhau hơn để tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư, với quan điểm bao trùm và bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội của các quốc gia thành viên.
Đánh giá về vai trò của CPTPP, khi trả lời phỏng vấn tại Kuala Lumpur ngày 22-11-2020, bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trực tuyến (APEC), GS. Hoo Ke Ping, chuyên gia phân tích chính trị, kinh tế độc lập tại Malaysia, cho rằng APEC cần xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương với nền tảng là CPTPP vì đây là một khối thương mại toàn diện, thực chất. Ông Hoo Ke Ping nhấn mạnh, các nền kinh tế APEC cần nghiêm túc trong việc thúc đẩy CPTPP.
Có thể nói, CPTPP - bức tranh sinh động của một hiệp định đa phương tại một khu vực được cho là năng động nhất thế giới trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI - đã có sức hấp dẫn với nhiều nền kinh tế lớn ở các châu lục và một số nước mong muốn trở thành thành viên của hiệp định này.
Nội các Thái Lan hồi tháng 5-2020 đã nhất trí thành lập một ủy ban để cân nhắc khả năng tham gia CPTPP. Hàn Quốc cũng đang cân nhắc trở thành thành viên của CPTPP nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường thương mại để chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, đồng thời nêu rõ “đa dạng hóa thị trường là nhiệm vụ cần thiết và chính phủ sẽ tiếp tục xem xét gia nhập CPTPP”. Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao APEC trực tuyến ngày 20-11-2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, “chắc chắn sẽ cân nhắc” ý tưởng tham gia CPTPP.
Trong khi đó, tờ Global Times ngày 21-11-2020 cho rằng, “quyết định cân nhắc tham gia” CPTPP của Trung Quốc đến “vào thời điểm nhiều nước đang cố gắng tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ khởi xướng”. Tờ báo này cũng khẳng định sự tham gia của Trung Quốc vào CPTPP “có thể mang lại một cơ hội lớn” cho ngành công nghiệp dịch vụ và công nghệ cao cũng như nền kinh tế số của nước này.
Bên cạnh 3 quốc gia châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, Anh ở châu Âu vừa chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) cũng sớm thể hiện quyết tâm gia nhập CPTPP. Chính phủ Anh cho biết, họ có 3 lý do để tham gia đàm phán CPTPP: Với việc có một “ghế” trong CPTPP, Anh muốn bảo đảm có các cơ hội thương mại và đầu tư gia tăng, giúp kinh tế Anh khắc phục thách thức chưa từng có do Covid-19; giúp “đa dạng hóa các quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng, tăng cường an ninh kinh tế trong thời kỳ bất ổn trên thế giới”; và “có chỗ đứng trung tâm trong mạng lưới thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế năng động”.
Ngoài ra, chính phủ Anh muốn gửi thông điệp về tiến trình trở thành thành viên CPTPP trong tương lai sắp tới. Theo đó, Anh muốn trở thành quán quân về tự do thương mại ở mọi nơi, mọi lúc. Từ tháng 12-2018, chính phủ Anh đã bắt đầu trao đổi với 11 nước thành viên CPTPP ở cấp bộ và cấp dưới bộ nhằm tìm hiểu quy chế thành viên.
Một vấn đề nữa cũng đặt ra cho các nước thành viên CPTPP là thuyết phục Mỹ quay trở lại hiệp định để chủ nghĩa đa phương là nhân tố chủ đạo trong dòng chảy thương mại cả khu vực và toàn cầu.
Trước diễn biến tích cực đó, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc họp tại Mexico ngày 5-1 vừa qua để tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của CPTPP trong năm 2021, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh với người đồng cấp nước chủ nhà Marcelo Ebrard rằng, Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ để duy trì, tăng cường khuôn khổ kinh tế tự do, rộng mở và ủng hộ việc tăng thêm số thành viên của hiệp định thương mại tự do có 11 nước tham gia này.
Có thể nói, cùng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa ra đời vào cuối năm 2020, việc CPTPP mở rộng cánh cửa đón chào các thành viên mới giúp các nền kinh tế châu Á hội tụ lại trong một mô hình kinh tế gắn kết, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, nhất là trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19.
TUYẾT MINH