Cuộc chiến bảo vệ đa dạng sinh học

.

Để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta, cùng lúc nhân loại phải tiến hành 2 cuộc chiến đầy cam go, phức tạp: chống lại sự nóng lên của Trái đất và bảo vệ sự đa dạng sinh học. Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C, trên mức tiền công nghiệp bắt đầu vào năm 2020 đến năm 2100. Đây là thỏa thuận mang ý nghĩa sống còn nhằm ngăn chặn sự nóng lên của trái đất. Tuy nhiên, thỏa thuận hiện vẫn gặp nhiều thách thức.

Trong khi đó, cùng với việc bảo vệ hành tinh xanh là cuộc chiến nhằm bảo vệ đa dạng sinh học. Trái đất đang bị hâm nóng, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng và các giống loài bị khai thác triệt để dẫn đến tuyệt chủng, và sự bùng phát của đủ loại dịch bệnh, do các virus xuất phát từ môi trường thiên nhiên hoang dã, như đại dịch Covid-19 đang làm nhân loại điêu đứng hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng, tình trạng khí hậu bị hâm nóng một cách đáng kinh ngạc, thiên nhiên bị tàn phá nặng nề là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dịch bệnh đáng sợ.

Năm 2010, 196 quốc gia thuộc Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) của Liên Hợp Quốc (LHQ) đồng ý 20 mục tiêu bảo tồn động thực vật, gọi là “Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi”. Song, sự chống chọi của con người để ngăn chặn nạn hủy diệt môi trường sống ngày càng khó khăn, trở ngại. Đặc biệt, trong năm 2020 vừa qua, gần như mọi hoạt động liên quan đến việc bảo vệ đa dạng sinh học trên toàn cầu đã bị đình hoãn do Covid-19.

Báo cáo triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu lần thứ 5 của LHQ được công bố ngày 15-9-2020 kết luận: Thế giới đã không đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về bảo vệ thiên nhiên đặt ra cách đây 10 năm. Còn nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Andy Purvis tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên (Anh) tuyên bố: “Đèn cảnh báo đang lóe sáng. Chúng ta phải nhận ra rằng mình đang ở trong tình trạng khẩn cấp toàn hành tinh”.

Để tiếp tục cuộc chiến bảo vệ đa dạng sinh học, ngày 12-1, Pháp đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “Một hành tinh duy nhất” (One Planet Summit) với sự tham gia của khoảng 30 lãnh đạo quốc gia, người đứng đầu các thể chế quốc tế. Một trong các thành công được coi là đáng chú ý nhất trong sự kiện này là đã cho phép hơn 50 quốc gia tập hợp thành liên minh do Costa Rica, Pháp và Anh hậu thuẫn, với cam kết bảo vệ đa dạng sinh học tại ít nhất 30% diện tích trên đất liền và trên các đại dương.

Dự kiến cái đích đầy kỳ vọng, bảo vệ sự đa dạng sinh học trên gần 1/3 diện tích của trái đất phải được cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua tại thượng đỉnh đa dạng sinh học lần thứ 15 (COP15), sẽ được tổ chức tại Côn Minh (Trung Quốc) vào tháng 9-2021. Dự kiến Hiệp định COP15 tại Trung Quốc sẽ vạch ra các định hướng chung cho phép bảo vệ các hệ sinh thái, và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong trung hạn, tức từ đây đến năm 2030, và dài hạn hơn - tức đến năm 2050.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, sự kiện “Một hành tinh duy nhất” tại Pháp lần này có rất ít cam kết về tài chính được đưa ra, cũng như các cam kết cụ thể trong quá trình hành động. Điều bị nhiều nhà hoạt động môi trường chỉ trích là liên minh hơn 50 quốc gia nói trên đã không đưa ra các tiêu chí cụ thể về cách thức bảo vệ 30% diện tích trái đất như thế nào. Mục tiêu chưa rõ ràng cũng gây lo ngại cho nhiều cộng đồng dân cư bản địa, sợ nơi sinh sống truyền thống của họ bị nhiều thế lực nhân danh bảo vệ môi trường chiếm đoạt. Một điểm bị chỉ trích khác là ý tưởng đặt 10% diện tích trái đất vào diện không gian được bảo vệ nghiêm ngặt, cũng không được thảo luận một cách kỹ lưỡng.

Một điểm đặc biệt đáng lo ngại khác là rất ít sự tham gia của các nước châu Á, châu Mỹ - nơi có nhiều vùng sinh thái bị ảnh hưởng do tác động của sự nóng lên của trái đất và sự hủy diệt của con người. Các nhà bảo vệ môi trường hiện lên tiếng kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế hãy hành động quyết liệt hơn nữa, chia sẻ hơn nữa nếu muốn đạt được đồng thuận trong một lĩnh vực ngày càng được coi là mang ý nghĩa sống còn với nhân loại.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.