Mỹ có trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran?

.

Thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (bao gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) là sản phẩm mang tính lịch sử dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA.

Mặc cho Mỹ rút lui, các nước tham gia JCPOA còn lại vẫn tìm mọi cách để duy trì thỏa thuận. Giờ đây, Tổng thống Joe Biden có đưa Mỹ quay trở lại JCPOA hay không?

Trước hết, nói về Iran. Sức ép lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran là không hề nhỏ. Từ cấm vận kinh tế đến chính trị và quân sự đã làm Iran bị cô lập, phải đối diện với nhiều khó khăn vô cùng nghiêm trọng. Vì thế, Tehran luôn dùng con bài giảm các cam kết theo quy định, gia tăng làm giàu uranium cấp độ 20% (cấp độ sản xuất vũ khí hạt nhân) để gây áp lực cho các nước còn lại trong JCPOA cũng như đối với Mỹ.

Khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11-2020, Iran kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường, bỏ cấm vận, trở lại thỏa thuận. Mới đây, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ bất kỳ sửa đổi nào đối với thỏa thuận ban đầu, khẳng định Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước. Ngày 27-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẵn sàng lập tức quay trở lại tuân thủ JCPOA ngay khi các nước khác tham gia ký kết có động thái tương tự.

Hai là, các đồng minh của Mỹ. Quan điểm của các đồng minh Mỹ tham gia JCPOA là quyết tâm duy trì thỏa thuận vì coi đó là nhân tố kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và tạo thế ổn định hòa bình ở khu vực Trung Đông cũng như của cả châu Âu và thế giới.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn trông chờ sớm làm việc với Tổng thống Joe Biden việc về khôi phục JCPOA, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Tehran rằng EU đồng tình với các biện pháp cấm vận của Washington. Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Iran nối lại việc làm giàu uranium lên mức 20% tại cơ sở hạt nhân Fordow - một động thái vi phạm JCPOA.

Ba là, nội bộ nước Mỹ. Việc ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1 vừa qua là dấu hiệu tích cực cho JCPOA, khi ông đề cập khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Ngay lập tức, Ủy viên phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell ra tuyên bố hoan nghênh những tuyên bố tích cực của ông Biden về JCPOA và mong muốn làm việc với chính quyền sắp tới của Mỹ.

Trước đó, ngày 11-1, ông Biden đề cử ông William Burns, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu vào vị trí người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ông Burns chính là người đã kết nối các cuộc đàm phán bí mật với Tehran để tạo cơ sở cho việc ký kết thỏa thuận năm 2015.

Đáng chú ý, ít nhất 150 thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã ký một lá thư bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Tổng thống Biden thúc đẩy tái ký JCPOA.

Có thể nói, Mỹ đang từng bước chuyển hướng sang chủ nghĩa đa phương, dù chưa nhiều và rõ nét, trong các vấn đề quan hệ quốc tế. Đặc biệt, ông Biden bày tỏ quan điểm sẽ thảo luận với các đồng minh chủ chốt trong các vấn đề quốc tế, như tái ký thỏa thuận JCPOA. Điều này cho thấy chính quyền mới ở Washington đã có sự điều chỉnh trong nhiều chính sách đối ngoại so với người tiền nhiệm, một nhân tố để Mỹ trở lại trên chính trường quốc tế.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.