Thế giới có hơn 2 triệu người chết vì Covid-19

.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới đoàn kết hơn nữa để bảo đảm tất cả các nước đều tiếp cận được vắc-xin ngừa Covid-19, chứ không riêng các nước giàu có, sau khi số người tử vong trên toàn cầu đã vượt mốc 2 triệu.

Số ca mắc Covid-19 tăng cao ở bang Amazonas của Brazil, đặc biệt tại thủ phủ Manaus, khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Trong ảnh: Các nhân viên y tế ở một bệnh viện tại Manaus, bang Amazonas. Ảnh: CNN
Số ca mắc Covid-19 tăng cao ở bang Amazonas của Brazil, đặc biệt tại thủ phủ Manaus, khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. TRONG ẢNH: Các nhân viên y tế ở một bệnh viện tại Manaus, bang Amazonas. Ảnh: CNN

Phát biểu trong một video mới nhất, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, thế giới đã có hơn 2 triệu người tử vong vì Covid-19 và gọi đây là “cột mốc gây choáng váng”. Ông Guterres thúc giục mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như duy trì giãn cách và đeo khẩu trang.

Có quá nhiều ca tử vong ở các nước giàu có nhất

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 19 giờ ngày 17-1 (giờ Việt Nam), thế giới có hơn 95 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 2 triệu ca tử vong. Tổng số ca bình phục là hơn 67,8 triệu. Báo The Guardian cho hay, cuối tháng 9-2020, tức 9 tháng sau khi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), thế giới có 1 triệu ca tử vong. Chỉ 3 tháng sau, con số này tăng gấp đôi.

Mỹ chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 24,3 triệu ca nhiễm và 405.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 10,5 triệu ca nhiễm và 152.000 ca tử vong; Brazil với 8,4 triệu ca nhiễm và 209.000 ca tử vong; Nga có hơn 3,5 triệu ca nhiễm và 65.000 ca tử vong; Mexico có 1,63 triệu ca nhiễm và 140.200 ca tử vong. Châu Âu - khu vực tâm dịch - có hơn 615.000 ca tử vong, chiếm 31% số ca tử vong của thế giới. Vương quốc Anh bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất ở “lục địa già” với hơn 3,36 triệu ca nhiễm và 88.700 ca tử vong.

TS. Bharat Pankhania, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Exeter ở Devon, tây nam nước Anh cho rằng, có quá nhiều người tử vong do Covid-19 ở các nước giàu có nhất thế giới. 5 quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới bao gồm Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Vương quốc Anh, chiếm 50% số ca tử vong của thế giới, nhưng 5 nước này chỉ chiếm 25% dân số toàn cầu.

Tại châu Á, Trung Quốc đang trở thành điểm nóng mới về dịch bệnh. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 17-1, nước này ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới (96 ca lây nhiễm cộng đồng), nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 88.000, trong đó hơn 4.600 ca tử vong.

Mua và phân phối vắc-xin cho những người nghèo nhất

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chuyên gia tăng cường các nghiên cứu về virus trên quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn các biến thể mới của SARS-CoV-2, có tên gọi là B.1.1.7. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thế giới đang ở “giai đoạn quyết định trong đại dịch”. Ông Ghebreyesus kêu gọi phân phối công bằng vắc-xin khi khoảng 46 quốc gia đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng đại trà, đa phần là những nước có thu nhập cao.

Trong khi đó, theo AP, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng, các chính phủ có trách nhiệm bảo vệ người dân của mình, nhưng “vắc-xin đang nhanh chóng đến với những nước có thu nhập cao, còn những nước nghèo nhất thế giới thì không có gì”. “Khoa học đang thành công nhưng sự đoàn kết đang thất bại”, ông Guterres nói.

Hồi tháng 3-2020, ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, Tổng Thư ký LHQ thúc giục các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) thông qua một kế hoạch “thời chiến” để ứng phó với dịch bệnh, trong đó có các gói kích thích kinh tế trị giá hàng ngàn tỷ USD dành cho các doanh nghiệp, người lao động, hộ gia đình ở các nước đang phát triển. Ông Guterres cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thành lập “lực lượng đặc nhiệm để kết nối những nỗ lực chống Covid-19”, nhưng những mong muốn này đã không được hưởng ứng.

Giờ đây, ông Guterres cho rằng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới có trách nhiệm đặc biệt trong việc ủng hộ chương trình vắc-xin của WHO (có tên gọi COVAX) nhằm mua và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 cho những người nghèo nhất thế giới. Ông kêu gọi các nước giàu có chia sẻ lượng vắc-xin dư thừa và cho rằng một số nước đang theo đuổi các hợp đồng vắc-xin với nguồn cung vượt quá cầu.

Theo Reuters, ngày 16-1, Ấn Độ khởi động chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới ngừa Covid-19 dành cho 1,3 tỷ dân. Theo đó, 300 triệu người sẽ được tiêm vắc-xin từ nay cho tới tháng 8. Hai loại vắc-xin đã được chính phủ Ấn Độ phê chuẩn sử dụng khẩn cấp, gồm vắc-xin do hãng AstraZeneca cùng Đại học Oxford phát triển và một sản phẩm nội địa do tập đoàn dược phẩm Bharat Biotech sản xuất có tên Covaxin.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.