"Băng giá" phủ bóng quan hệ Nga - EU

.

Gần 10 năm qua, quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng “băng giá”, nhất là sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014. Đặc biệt, đầu tháng 2-2021, việc Nga tuyên phạt chính trị gia đối lập Alexei Navalny 3,5 năm tù giam càng làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây. Ông Navalny bị bắt tại biên giới Nga vào ngày 17-1 sau khi trở về từ Đức.

Nga cho rằng, các nước EU - đứng đầu là Đức - đã đạo diễn vụ Navalny bị “đầu độc” hồi cuối năm 2020 để lấy lý do gây áp lực cho Moscow cả về chính trị lẫn kinh tế. Ngoài ra, Nga cũng chỉ trích EU đã can thiệp thô bạo vào công việc tư pháp của Moscow sau khi nước này bắt giữ và kết án tù Navalny.

Căng thẳng ngoại giao leo thang từ đầu năm 2021. Cụ thể là ngay trong chuyến thăm của ông Josep Borrell - đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU đến Moscow, chính phủ Nga đã trục xuất 3 nhà ngoại giao EU vì tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ ông Navalny. Cuộc họp trực tiếp sau một thời gian dài phòng, chống đại dịch Covid-19 của các Ngoại trưởng EU ngày 22-2 tại Brussels (Bỉ) đã xây dựng một chiến lược gồm 3 điểm, sẽ được áp dụng vào mọi mối quan hệ của các nước EU với Nga, bao gồm: đẩy lùi mọi sự vi phạm luật pháp quốc tế và nhân quyền; ngăn chặn các cuộc tấn công nhắm vào EU, chẳng hạn trên mạng xã hội; đối thoại nếu điều đó có lợi cho châu Âu.

Từ những quan điểm nói trên, EU đã liên tiếp đưa ra những cáo buộc Nga vi phạm nhân quyền, tấn công mạng nhằm vào các nước EU. Liên minh gồm 27 thành viên cũng tiếp tục kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga từ sự kiện Crimea và một số vụ việc khác. Chưa dừng lại, liên quan vụ Navalny, lần đầu tiên các Ngoại trưởng EU sử dụng đạo luật Magnitsky của khối này để trừng phạt Nga với các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Dự kiến lệnh trừng phạt Nga sẽ chính thức được thông qua vào đầu tháng 3 tới sau khi các nước thành viên EU phê chuẩn.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói báo giới rằng, Nga luôn muốn phát triển quan hệ với EU, song nước này vẫn phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Khi được hỏi liệu việc cắt đứt quan hệ với EU có phải một lựa chọn hay không, ông Peskov trả lời: “Tất nhiên”, nhưng nói thêm rằng đó là khi Moscow phải hứng chịu những động thái mang tính “hủy diệt”, có thể gây “tổn hại cấu trúc và lợi ích” của Nga từ EU.

Diễn biến đó cho thấy, với sự nghi ngờ lẫn nhau như vậy, vụ việc Navalny cũng chỉ là mồi lửa làm nóng thêm mối quan hệ Nga - EU và khó có những tín hiệu cải thiện quan hệ trong tương lai gần. Thông cáo sau chuyến đi của ông Josep Borrell đến Nga có đoạn: “Các kênh ngoại giao vẫn cần được duy trì, không chỉ để tháo gỡ các khủng hoảng hay các sự cố, mà còn để có các trao đổi trực tiếp, để đưa ra các thông điệp cứng rắn và thẳng thắn, và điều này lại càng cần thiết hơn khi các quan hệ còn xa mới có thể coi là ổn thỏa”.

Rõ ràng, cùng với sự “đóng băng” trong quan hệ với Mỹ thì mối quan hệ giữa Nga và EU cũng rơi vào tình trạng như vậy là điều không mấy khó hiểu. Tuy nhiên, việc EU sẽ tiếp tục áp đặt trừng phạt nhằm vào Nga và Nga có những tuyên bố khá cứng rắn làm cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Căng thẳng này có thể đẩy cả châu Âu rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng nếu cả đôi bên không kiểm soát được tình hình.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.