SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, đặt ra nhiều thách thức cho các loại vắc-xin đang được đưa vào chương trình tiêm chủng hiện nay, trong lúc thế giới có hơn 103 triệu ca nhiễm và 2,2 triệu ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ nhận vắc-xin AstraZeneca tại thị trấn Folkestone, đông nam nước Anh. Ảnh: Bloomberg/Getty Images |
Cuối tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, tốc độ lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2 khiến toàn cầu đứng trước nhiều thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Hiện nay, các hãng dược Pfizer, BioNTech và Moderna đều khẳng định vắc-xin của họ hiệu quả với những biến thể mới của virus.
Vắc-xin chưa đủ để ngăn chặn virus
Theo chương trình vắc-xin Covid-19 toàn cầu (mang tên COVAX), WHO sẽ bắt đầu phân phối vắc-xin trong vài tuần tới. Chương trình này nhằm mua vắc-xin ngừa Covid-19 và bảo đảm số lượng vắc-xin được phân phối công bằng trên khắp thế giới. Dự kiến 1,8 tỷ liều vắc-xin sẵn sàng cung cấp cho 92 nước nghèo. Bà Diah Saminarsih, cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc WHO khẳng định: “WHO sẽ giữ cam kết”.
Song, nhật báo South China Morning Post xuất bản tại Hong Kong (Trung Quốc) dẫn lời ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình Khẩn cấp của WHO, cho rằng mức độ “phủ sóng” của vắc-xin cũng không đủ để ngăn chặn virus.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích việc các nước giàu mua lượng lớn vắc-xin ngừa Covid-19, khiến các nước nghèo khó tiếp cận vắc-xin. Ông Tedros nhắc đến cuộc khủng hoảng đại dịch HIV/AIDS với việc các nước giàu nhận được thuốc gần một thập niên trước khi các nước nghèo hơn có được mặt hàng này. Không những thế, trong dịch cúm H1N1 năm 2009, vắc-xin chỉ tới được các nước nghèo khi dịch bệnh kết thúc. Theo Tổng Giám đốc WHO, các nước giàu cần tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ về tích trữ dược phẩm và vắc-xin bởi hành động như vậy sẽ chỉ khiến đại dịch kéo dài.
Tại Mỹ, với hơn 26 triệu ca nhiễm và 438.000 ca tử vong, từ ngày 1-2, chính phủ của Tổng thống Joe Biden yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng giữa các tiểu bang và tại các trung tâm trung chuyển, bao gồm máy bay, taxi và tàu hỏa. Ông Biden trước đó cũng nhấn mạnh: “Sẽ phải mất vài tháng trước khi phần lớn người Mỹ được tiêm chủng. Trong vài tháng tới, khẩu trang, chứ không phải là vắc-xin, mới là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống Covid-19. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu người dân Mỹ đeo khẩu trong trong 100 ngày đầu tiên của tôi trên cương vị mới”.
Chậm trễ cung cấp vắc-xin
Theo South China Morning Post, sự chậm trễ trong việc cung ứng vắc-xin ngừa Covid-19, như vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech và AstraZeneca, đặt ra câu hỏi: Ngay các quốc gia giàu nhất thế giới đạt được mục tiêu tiêm chủng hay không? Kế hoạch tiêm chủng của Liên minh châu Âu (EU) và Canada đều bị ảnh hưởng bởi sự cố dây chuyền sản xuất vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech tại nhà máy ở Bỉ. Hãng dược AstraZeneca (Anh) cũng thông báo giảm 40% số liều vắc-xin đã cam kết với EU trong quý 1-2021 do một nhà máy ở châu Âu giảm công suất.
Ủy ban châu Âu (EC) đã phản hồi bằng việc kích hoạt cơ chế giám sát và trong một số trường hợp cấm xuất khẩu vắc-xin được sản xuất từ các nhà máy đặt ở EU gồm 27 thành viên. EC muốn AstraZeneca chuyển một phần trong số lượng vắc-xin sản xuất tại Anh sang cho EU. EC chỉ trích AstraZeneca vi phạm hợp đồng khi trì hoãn thời gian giao hàng trong khi vẫn duy trì tiến độ hợp đồng đã ký trước đó với Anh.
Động thái nói trên của EC làm dấy lên một “kịch bản xấu” trong cuộc chiến chống Covid-19, đó là khó có thể bảo đảm phân phối vắc-xin công bằng toàn cầu. Hơn nữa, động thái của EC cũng vấp phải sự phản đối từ WHO, thậm chí có nguy cơ châm ngòi mâu thuẫn với Anh.
Phát biểu với báo Sunday Telegraph ngày 31-1, Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng vắc-xin của Anh Nadhim Zahawi khẳng định nước này đang hợp tác với EU về vấn đề vắc-xin. Cũng trong ngày 31-1, chính phủ Đức dọa sẽ có hành động pháp lý chống lại các hãng dược không cung cấp vắc-xin theo đúng kế hoạch. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo, tình trạng thiếu vắc-xin có thể còn kéo dài đến tháng 4. Tuần trước, Ý cũng dọa sẽ hành động pháp lý chống lại hãng Pfizer vì chậm trễ trong việc cung cấp vắc-xin.
VĨNH AN