Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt, Mỹ tiến thoái lưỡng nan

.

Chính phủ Mỹ đang đánh giá nên đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bằng cách áp đặt thêm lệnh trừng phạt, tổ chức vòng đối thoại mới, hay kết hợp cả hai biện pháp này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trên truyền hình của nước này hôm 25-3, cũng là ngày Bình Nhưỡng phóng 2 tên lửa đạn đạo. 					          Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trên truyền hình của nước này hôm 25-3, cũng là ngày Bình Nhưỡng phóng 2 tên lửa đạn đạo. Ảnh: AP

Ngày 27-3, Triều Tiên gọi các bình luận của Mỹ lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là khiêu khích, xâm phạm quyền tự vệ của nước này. Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Ri Pyong Chol đưa ra những đánh giá này trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên nóng lên khi Bình Nhưỡng phóng 2 tên lửa đạn đạo hôm 25-3 và phóng 2 tên lửa tầm ngắn hôm 21-3.

Triều Tiên xây dựng sức mạnh để tự vệ

Ông Ri Pyong Chol nói rằng, Mỹ chỉ trích các vụ thử vũ khí chiến thuật của Triều Tiên, trong khi chính Washington tự do thử nghiệm các tên lửa đạn đạo liên lục địa và có thể đưa các khí tài quân sự chiến lược đến khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên bất kỳ lúc nào. Vì vậy, theo ông Ri Pyong Chol, Triều Tiên không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng sức mạnh để tự vệ, bởi Mỹ và Hàn Quốc “liên tục tạo ra các mối đe dọa quân sự”, thể hiện qua các cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul. “Tôi nghĩ rằng, chính phủ mới của Mỹ đã sai lầm trong bước đi đầu tiên”, KCNA dẫn lời ông Ri Pyong Chol nói.

Thậm chí, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Ri Pyong Chol còn cảnh báo: Mỹ sẽ “trả giá đắt” nếu tiếp tục đưa ra những nhận xét mà không cần tính đến hậu quả.

Các vụ phóng tên lửa cho thấy Triều Tiên tiếp tục mở rộng khả năng quân sự, còn đàm phán hạt nhân với Mỹ thì vẫn bế tắc. Các vụ phóng cũng cho thấy mối đe đọa đang gia tăng từ những vũ khí tầm ngắn như vậy đối với Hàn Quốc và Nhật Bản - các đồng minh của Mỹ. Hiện có 80.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mỹ xem xét chính sách về Bình Nhưỡng

Theo AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rất kiềm chế trước các động thái của Triều Tiên. Đối với vụ phóng 2 tên lửa tầm ngắn hôm 21-3, ông nói rằng, đây là “cuộc thử nghiệm bình thường”, chỉ vụ phóng hôm 25-3 vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và cảnh báo sẽ có các phản ứng nếu Bình Nhưỡng “chọn con đường leo thang”. “Chúng tôi đang tham vấn với các đối tác và đồng minh. Chúng tôi sẽ đưa ra các phản ứng nếu họ lựa chọn leo thang. Chúng ta sẽ đáp trả tương xứng”, Tổng thống Biden nói. Ngày 26-3, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của HĐBA LHQ yêu cầu các chuyên gia của ủy ban này tiến hành điều tra vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo.

Theo báo New York Times, chính phủ Mỹ đang đánh giá nên đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên như thế nào, bằng cách áp thêm lệnh trừng phạt, tổ chức một vòng đối thoại mới hay kết hợp cả hai biện pháp này. Đến nay, Triều Tiên vẫn phớt lờ những nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc thúc đẩy nối lại đàm phán. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không trở lại nghị sự nếu Washington vẫn theo đuổi “các chính sách thù địch”.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào khi hoàn tất việc xem xét chính sách về Triều Tiên trong những tuần tới. Song, theo các nhà phân tích, Mỹ đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu Mỹ tổ chức vòng đàm phán mới, chưa hẳn Triều Tiên sẽ ngừng phóng tên lửa và đồng ý phi hạt nhân hóa. Nếu Mỹ gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng thì càng làm dấy lên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và biết đâu Bình Nhưỡng sẽ liên tục thử tên lửa, đặt cả khu vực Đông Bắc Á vào tình trạng “tăng nhiệt”.

Tháng 2-2019, đàm phán giữa người đứng đầu Nhà Trắng lúc đó là Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không ra được tuyên bố chung. Đàm phán bế tắc từ đó đến nay. Vì vậy, báo New York Times dẫn lời các nhà quan sát nhận định, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vừa phô trương sức mạnh quân sự, vừa gia tăng căng thẳng để làm đòn bẩy “mặc cả” khi Mỹ đang xem xét chính sách về Bình Nhưỡng. Vụ thử cũng là dấu hiệu chứng minh với Washington rằng, Bình Nhưỡng có thể sẽ thực hiện thêm các vụ thử, với tên lửa tầm xa hơn, nếu các chính sách của Tổng thống Joe Biden bị cho là không hợp lý.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.