Châu Âu xoay xở với làn sóng Covid-19 thứ ba

.

Châu Âu đang đối mặt với làn sóng thứ ba của Covid-19. Thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi đây là “đại dịch mới”.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu trực tuyến bàn thảo cách thức gia tăng năng lực sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 trong khối 27 thành viên. 	                 Ảnh: AP
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu trực tuyến bàn thảo cách thức gia tăng năng lực sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 trong khối 27 thành viên. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca nhiễm mới trên khắp châu Âu mỗi tuần tăng 13%.

“Đại dịch mới”

WHO dẫn chứng: trong tuần mới đây, Pháp có hơn 204.000 ca nhiễm mới, tỷ lệ lây nhiễm 313,8 ca/100.000 người; Ý có hơn 154.400 ca nhiễm mới, tỷ lệ lây nhiễm 255,5 ca/100.000 người; Ba Lan có gần 152.000 ca nhiễm mới, 401 ca nhiễm/100.000 người. Đáng chú ý, Ba Lan hiện xếp thứ 9 trong 10 nước có số ca nhiễm hằng ngày cao nhất thế giới.

Các trường hợp nhiễm mới phần lớn do biến thể SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Anh. Khi biến thể SARS-CoV-2 ở Anh lây lan nhanh, các nước thuộc “lục địa già” buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế. Trong đó, khu vực Đông Âu nổi lên là “điểm nóng” của virus nhưng các nước khác không ở Đông Âu như Pháp, Ý và Thụy Điển cũng chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo, làn sóng dịch thứ ba sẽ tiến vào Anh. Ông đối mặt với những lời kêu gọi phải siết chặt các hoạt động đi lại ở xứ sở sương mù để hạn chế lây nhiễm. Ngày 25-3, Anh có hơn 6.200 ca nhiễm mới, 63 ca tử vong; ngày 24-3, các con số này lần lượt là 5.600 ca và 98 ca. Anh hiện có tổng cộng hơn 4,3 triệu ca nhiễm, 126.400 ca tử vong.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, biến thể virus giống như một “đại dịch mới”. “Về cơ bản, chúng ta đối mặt với virus mới cùng loại nhưng có rất nhiều điểm khác biệt. Gây tử vong nhiều hơn, số người lây nhiễm nhiều hơn và thời gian nhiễm lâu hơn”, bà Merkel nói. Reuters dẫn lời Cao ủy phụ trách y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides nhấn mạnh, tình hình ở nhiều nước thuộc liên minh này đang “báo động” với số ca nhiễm gia tăng ở 19 nước thành viên. Ngày 25-3, Đức ghi nhận thêm 22.600 ca nhiễm mới và 228 ca tử vong.

Gia tăng năng lực sản xuất vắc-xin

EU đã lên kế hoạch tiêm ngừa Covid-19 từ rất sớm nhưng tiến độ vẫn đứng sau Anh và Mỹ, theo Reuters. EU đặt hàng 2 tỷ liều vắc-xin từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều để đáp ứng nhu cầu tổng dân số của liên minh 27 thành viên là 450 triệu người. Thế nhưng, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng này, có những dấu hiệu cho thấy nguồn cung vắc-xin bị thiếu hụt, nguyên nhân chủ yếu do hãng dược phẩm AstraZeneca bàn giao vắc-xin chậm trễ.

Báo Miami Herald dẫn lời Thủ tướng Merkel phát biểu tại Quốc hội Đức kêu gọi châu Âu cần tự chủ, không phụ thuộc vào nguồn cung vắc-xin từ các nước khác, mà cần gia tăng năng lực sản xuất vắc-xin. Bà Merkel bảo vệ quyết định của EU về việc mua chung vắc-xin cho tất cả các quốc gia thành viên. “Hiện tại, chúng ta thấy những khác biệt nhỏ trong việc phân phối vắc-xin sẽ gây ra các cuộc tranh cãi lớn. Tôi không thể hình dung  tình hình sẽ như thế nào nếu một số quốc gia thành viên có vắc-xin nhưng những quốc gia khác thì không”, bà Merkel nói. Theo đó, việc tăng cường sản xuất vắc-xin là một trong những vấn đề được đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh EU trực tuyến ngày 25-3.

Thực tế, một số nước phàn nàn về việc vắc-xin không được phân phối công bằng trên khắp châu Âu trong khi đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự thất vọng về chương trình tiêm chủng quốc gia của EU đang thua kém Anh và Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng, EU cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm phần còn lại của thế giới cũng được cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19; nếu không, các biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện trở lại, mà một số biến thể có thể kháng các loại vắc-xin hiện hành.

Hiện châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung về đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) đối với vấn đề xuất khẩu vắc-xin. Anh - đất nước vừa rời EU - có gần 50% số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin ngừa Covid-19. Những diễn biến này làm dấy lên căng thẳng giữa London với Brussels khi Anh đã nhập khẩu hàng triệu liều vắc-xin từ các nhà máy đặt tại một số quốc gia thành viên EU.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.