Cuộc gặp cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan với Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 18-3 tại bang Alaska (Mỹ) được cho là cơ hội để hai nước giảm căng thẳng.
Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook trong cuộc họp báo ngày 18-3 ở Seoul trước khi ông Blinken trở về Mỹ tham dự cuộc gặp Alaska. Ảnh: AP |
Hãng tin AP nhận định, Mỹ và Trung Quốc đối mặt với một phép thử mới khi các quan chức hàng đầu của hai nước gặp gỡ ở thành phố Anchorage, bang Alaska. Hai bên dự kiến thảo luận về các vấn đề thương mại, các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đại dịch Covid-19… Đây là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước dưới thời chính phủ của Tổng thống Joe Biden.
Tuần trước, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ sẽ sử dụng cuộc gặp để giải quyết hàng loạt vấn đề mà hai bên vốn có bất đồng sâu sắc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa trở về từ Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi ông và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến công cán đầu tiên nhằm thúc đẩy những cam kết của chính phủ Tổng thống Joe Biden đối với các đồng minh châu Á.
Với Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á, giới chức Mỹ không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp ở Alaska, thậm chí xem đây là “sự kiện chỉ diễn ra một lần duy nhất”. AP dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ mô tả cuộc hội đàm là cơ hội để hai bên “cân nhắc” trong mối quan hệ. Quan chức này cho biết, hai bên sẽ không có tuyên bố chung sau cuộc gặp và dự kiến không có thông báo lớn nào được đưa ra. Hãng tin NBC của Mỹ cũng cho hay, các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ đều muốn chính phủ thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.
Phía Trung Quốc cũng không hy vọng một vòng đối thoại sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề giữa hai nước, nhưng Bắc Kinh xem cuộc gặp như cơ hội để hai nước thiết lập lại mối quan hệ, xây dựng trật tự quốc tế mới. “Mong muốn của tôi là sự kiện này có thể là sự khởi đầu và hai bên có thể bắt đầu một tiến trình đối thoại thẳng thắn, mang tính xây dựng và chừng mực”, ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nói.
Cũng theo AP, mối quan hệ Mỹ - Trung rạn nứt trong nhiều năm qua và chính phủ của ông Joe Biden chưa cho thấy Washington sẵn sàng từ chối những quan điểm cứng rắn được đưa ra dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ngày 17-3, Washington kiện hàng loạt công ty Trung Quốc để xác định xem liệu những doanh nghiệp này có gây rủi ro cho an ninh quốc gia của Mỹ hay không. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không thể hiện nước này sẵn sàng giảm căng thẳng. Ngày 18-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ Washington trong các vấn đề trọng yếu như an ninh và chủ quyền. Thế nhưng, chính ông Triệu Lập Kiên từng cho rằng, “hai bên cần tôn trọng và đối xử bình đẳng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại, quản lý và xóa bỏ những khác biệt, đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại đúng hướng”.
Ông Blinken lúc đến Nhật Bản đã nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc là “rất phức tạp” bởi bao gồm sự đối nghịch: vừa có cạnh tranh, vừa có hợp tác. Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc về những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như đại dịch Covid-19 và chống biến đổi khí hậu. Song, Washington vẫn muốn gây sức ép với Trung Quốc về các cáo buộc liên quan tới thương mại và công nghệ.
Một số chuyên gia nhận định, việc Mỹ và Trung Quốc sắp xếp một cuộc đối thoại ở Alaska cho thấy hai bên đều có thiện chí giải quyết những bất đồng, dẫu sẽ phải đi một chặng đường dài. Dù có nhiều nghi ngại trước thềm cuộc gặp, nhưng sự kiện này có thể dẫn đến các cuộc tiếp xúc cấp cao song phương, thậm chí mở đường cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến vào tháng 4 tới, gần ngày Trái đất 22-4. Ông Triệu Lập Kiên nói rằng, đến thời điểm hiện tại, cuộc gặp tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung không nằm trong chương trình nghị sự tại đối thoại Alaska.
Trong khi đó, ông Blinken khẳng định Mỹ sẽ dựa trên những tiến triển và kết quả sau cuộc gặp Alaska để quyết định có các cuộc tiếp xúc tiếp theo hay không.
PHÚC NGUYÊN