Ý vừa phát hiện kho hàng chứa 29 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 “chưa được báo cáo” của hãng dược AstraZeneca trong một nhà máy gần thành phố Rome. Sự việc làm dấy lên những ngờ vực của giới chức Liên minh châu Âu (EU) về “âm mưu” giấu hàng xuất khẩu của nhà sản xuất vắc-xin.
Một điểm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà tại thành phố Salisbury (Anh) vào tháng 1-2021. Ảnh: New York Times |
Trước khi phát hiện kho chứa số liều vắc-xin ngừa Covid-19 rất lớn, theo Reuters, giới lãnh đạo EU đã nghi ngờ AstraZeneca lùi thời hạn giao hàng cho họ để gửi hàng tới các nước khác. EU vẫn luôn cáo buộc AstraZeneca không ưu tiên khối 27 nước thành viên trong việc giao hàng theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, mà lại chuyển hàng tới các nơi khác, nhất là tới Anh - quốc gia đã chính thức “chia tay” EU.
Căng thẳng leo thang
EU đã yêu cầu AstraZeneca phải hoàn thành trách nhiệm với những cam kết trong việc bàn giao vắc-xin ngừa Covid-19 cho khối này. Trong kế hoạch, EU muốn nhận hơn 100 triệu liều vắc-xin từ AstraZeneca trong quý 1-2021 Tuy nhiên, EU hiện mới chỉ nhận được 16,6 triệu liều. Việc nguồn cung thấp đã làm chệch hướng các nỗ lực triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 trên toàn châu lục.
Hãng tin AP cho biết, sau rất nhiều những thương thuyết qua lại, thậm chí đe dọa cấm AstraZeneca xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 được sản xuất nội khối, rốt cuộc ngày 24-3, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức tuyên bố những nguyên tắc mới trong kiểm soát vắc-xin ngừa Covid-19. EC cho rằng, các nguyên tắc này sẽ giúp EU có quyền lực rõ ràng hơn khi hạn chế xuất khẩu trong 6 tuần nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm vắc-xin. Các nguyên tắc đó cũng sẽ khiến các công ty dược đang sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 tại EU gặp khó khăn hơn khi muốn xuất khẩu đi nước khác và chắc chắn sẽ làm rối loạn nguồn cung vắc-xin cho Anh.
Từ sự mách nước của chính quyền châu Âu, một nhóm thanh tra cảnh sát của Ý đã đột kích vào một cơ sở sản xuất vắc-xin bên ngoài thành phố Rome vào cuối tuần qua và phát hiện kho hàng lớn với 29 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca. 4 ngày sau, giới chức Ý nhận được lời giải thích của nhà sản xuất vắc-xin rằng, số hàng này đang trong giai đoạn kiểm tra chất lượng trước khi chuyển tới các nước đang phát triển và các nước châu Âu. Cuộc đột kích tại Ý được giới quan sát nhận định như một động thái nhằm tăng thêm sức nặng cho những đe dọa của EU với các công ty sản xuất vắc-xin, cụ thể ở đây là AstraZeneca, trong kế hoạch xuất hàng đi nơi khác. Câu chuyện này cũng cho thấy cuộc chiến giành quyền tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 đang trở nên nóng hơn như thế nào tại châu Âu. Dĩ nhiên, sự việc cũng cho thấy mối quan hệ chẳng êm ả gì giữa EU và những bên mà khối này chỉ trích đã lừa dối họ trong vấn đề vắc-xin.
Cuộc khủng hoảng của thế kỷ
Vương quốc Anh nhận về nhiều nhất các lô hàng vắc-xin ngừa Covid-19 xuất đi từ EU. Do đó, nếu các nguyên tắc khẩn cấp mới công bố về kiểm soát xuất khẩu vắc-xin của EU được thực thi, Anh cũng sẽ đối mặt với nguy cơ “mất” nhiều nhất. Đó là bởi, dù các nguyên tắc do EU thiết lập có vẻ khá “chung chung” và như lời quan chức EU, các nguyên tắc này “không nhằm vào quốc gia cụ thể nào”, nhưng đi vào chi tiết thì dường như chúng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các nước khác. Chẳng hạn, theo báo New York Times, Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng vì các nguyên tắc mới công bố của EU, còn việc vận chuyển vắc-xin của AstraZeneca tới các nước nghèo hơn thông qua liên minh vắc-xin toàn cầu COVAX vẫn tiếp tục diễn ra bình thường.
Những gì đang diễn ra cũng cho thấy một tình thế rất khó khăn mà EU đang trải qua. Năm ngoái, EU khởi động chương trình rất tham vọng nhằm đại diện cho 27 quốc gia thành viên mua vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, đầu năm 2021, khối này nhận ra họ đã không áp dụng đủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm đủ nguồn cung vắc-xin. Cũng bởi vậy, chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của EU vẫn rất ì ạch. Giới chức lãnh đạo EU cũng như các nhà lãnh đạo tại mỗi quốc gia thành viên đối mặt với sức ép rất lớn từ dư luận, thậm chí đe dọa sự nghiệp chính trị của họ, vì đã không thể giải quyết rốt ráo vấn đề nguồn cung vắc-xin.
Trong khi đó, người dân châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ ba, và thật khó khăn nếu phải chấp nhận chuyện áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt một lần nữa. Tuần trước, trong lúc chuẩn bị cho việc công bố những nguyên tắc khắt khe hơn trong việc kiểm soát xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, đã vẽ ra một bức tranh khá bi quan về tình hình dịch bệnh hiện nay tại châu Âu. “Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng của thế kỷ”, bà Ursula von der Leyen nói. “Và tôi sẽ không loại trừ bất cứ điều gì lúc này, vì chúng ta phải làm sao bảo đảm cho người dân châu Âu được tiêm vắc-xin sớm nhất có thể”, bà tiếp.
Đến ngày 24-3, chỉ khoảng 10% công dân EU (khối này có khoảng 450 triệu dân) đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19. Trong khi đó, 40% dân số Anh và khoảng 25% dân số Mỹ đã được tiêm ngừa.
TRẦN ĐẮC LUÂN