Hậu Brexit, Anh "xoay trục" sang châu Á

.

Chính phủ Anh cam kết chuyển trọng tâm ngoại giao sang các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, nhằm thúc đẩy các liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời mô tả khu vực này “ngày càng trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới”. 

Anh sẽ triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ảnh: PA
Anh sẽ triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ảnh: PA

Theo AP, trong báo cáo “Global Britain in a Competitive Age” (tạm dịch: Nước Anh trên toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh) được công bố ngày 16-3, chính phủ Anh khẳng định sẽ ưu tiên ngoại giao với các nước châu Á trong thập niên tới.

Nhiều cạnh tranh, thách thức và cả những cơ hội

Trong báo cáo, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng, nước ông đang đối mặt với một thế giới “nhiều cạnh tranh, thách thức và cả những cơ hội” sau thời kỳ Brexit. Báo cáo cho thấy chính phủ Anh nghiêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trở thành một đối tác lớn hơn ở khu vực này, trong lúc “trung tâm địa chính trị và kinh tế” của thế giới đang di chuyển về phía đông với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…

Báo cáo chỉ ra những thách thức đến từ Trung Quốc và cho rằng Bắc Kinh là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế của Anh”. Song, Thủ tướng Johnson nói rằng, Anh sẽ tiếp tục theo đuổi “mối quan hệ thương mại và đầu tư tích cực” với Bắc Kinh. “Không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc sẽ đặt ra thách thức lớn đối với một xã hội rộng mở như của chúng ta. Nhưng chúng ta phải làm việc với Trung Quốc khi điều đó phù hợp với các giá trị và lợi ích của chúng ta, trong đó có việc xây dựng một mối quan hệ kinh tế tích cực, mạnh mẽ và giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu”, AP dẫn lời ông Johnson nói.

Cũng trong chiến lược “xoay trục”, ông Johnson sẽ đến Ấn Độ vào cuối tháng 4 tới. Đây sẽ là chuyến công du quốc tế lớn đầu tiên của nhà lãnh đạo này sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Anh muốn thúc đẩy các cơ hội của đất nước này ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Reuters dẫn thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, chuyến công du được lên kế hoạch diễn ra trước khi xứ sở sương mù đăng cai hội nghị nhóm các nước giàu có G7 vào tháng 6 tới. Lúc đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là khách mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.

Lạc quan về vị trí của nước Anh

Báo The Independent xác nhận việc chính phủ Anh đang thúc đẩy hợp tác với “Bộ Tứ kim cương” gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tháng 2-2021, Anh còn chính thức đề nghị tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mong muốn trở thành thành viên thứ 11 của hiệp định này, từ đó mở ra những con đường mới cho thương mại và ảnh hưởng của London thời hậu Brexit. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss nói rằng, CPTPP sẽ giúp Anh tiếp cận thị trường gần 500 triệu dân, quy mô GDP hơn 10.000 tỷ USD (tương đương 14% GDP toàn cầu).

Anh cũng đã nộp đơn để trở thành một đối tác đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Từ cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định: “Chúng tôi đang theo đuổi các thỏa thuận thương mại từ Úc đến Mỹ và khắp thế giới, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một thị trường tăng trưởng lớn cho tương lai”.

Cũng theo Reuters, Anh sẽ triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Song, báo The Guardian dẫn lời một cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, động thái này có thể khiến Trung Quốc phản ứng.

Với báo cáo “Global Britain in a Competitive Age”, Thủ tướng Johnson bày tỏ lạc quan về vị trí của nước Anh trên thế giới và khả năng quốc gia này nắm bắt cơ hội. Song, chính sách đối ngoại “hướng đông” không có nghĩa là Anh xa rời châu Âu. Thủ tướng Johnson cho hay, một số chính sách lâu đời vẫn được giữ nguyên: Anh vẫn “kiên định cam kết” với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, duy trì hòa bình và an ninh châu Âu; Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Anh.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.