Bài học từ một "cuộc cách mạng màu"

.

Cách đây tròn 10 năm, “cuộc cách mạng màu” đã khởi đầu từ Tunisia, sau đó tràn sang các nước Arab, biến thành “Mùa xuân Arab”, và Syria là một quốc gia trong số đó.

Sau cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, phe đối lập cho rằng có gian lận bầu cử nên đã tiến hành biểu tình từ thủ đô Damascus, sau đó lan rộng trên cả nước. Được sự hỗ trợ của các lực lượng chống đối từ bên ngoài, phe đối lập từng bước chuyển sang các cuộc biểu tình mang tính bạo lực nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp được thành lập thông qua bầu cử.

Các lực lượng khủng bố như Al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhanh chóng lợi dụng thời cơ biến quốc gia Trung Đông này thành mảnh đất màu mỡ cho chúng hoạt động chống phá, tàn sát đẫm máu và xây dựng căn cứ địa trải dài hàng vạn cây số vuông từ Syria đến Iraq.

Cũng từ đó, Syria vừa lâm vào cuộc nội chiến khốc liệt, vừa là nơi nhiều cường quốc khu vực và quốc tế biểu dương sức mạnh, tranh giành quyền lợi, để cuối cùng chính người dân nước này phải hứng chịu những bi kịch tàn khốc suốt một thập niên qua.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cuộc chiến ở Syria bùng phát vào năm 2011 đến nay đã làm hơn 387.000 người thiệt mạng, hàng triệu người bị thương và hàng chục triệu người phải ly hương. Làn sóng di cư chưa từng có đã xuất hiện vào những năm 2014, 2015, tạo ra “bi kịch” khủng khiếp ở quốc gia này.

Trong một cuộc họp ngày 29-3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo và nhấn mạnh cần tăng cường hỗ trợ người dân Syria, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và nhu cầu hàng hóa y tế cũng như tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 ngày một cấp thiết. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết, nhu cầu nhân đạo đang ở mức cao kỷ lục; 13,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, tăng 20% sau chỉ một năm do tác động của khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19. Do lương thực đắt đỏ và khan hiếm, hơn 12 triệu người đang rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực. Đáng chú ý, ước tính có khoảng 12.000 trẻ em thương vong sau 10 năm xung đột và 90% trẻ em cần hỗ trợ nhân đạo. Hàng triệu trẻ em Syria bỏ học, nhiều em phải lao động kiếm sống…

Nhờ sự giúp đỡ của Nga, Tổng thống Bashar al-Assad là nhà lãnh đạo duy nhất có thể cầm cự được trước sự tấn công của các lực lượng đối lập thông qua “cuộc cách mạng màu”, Al-Qaeda, IS… Tuy nhiên, Syria vẫn chưa yên tĩnh. Các lực lượng chống đối, các phần tử khủng bố và các lực lượng bên ngoài vẫn can thiệp bằng ngoại giao, quân sự và cả chính sách bao vây cấm vận khiến Syria tiếp tục chìm trong bạo lực và đói nghèo. Giấc mơ về tương lai tốt đẹp hơn của người dân Syria vẫn xa vời.

Có thể nói, bị tác động bởi làn sóng “Mùa xuân Arab” ở Syria nói riêng, một số quốc gia khác ở Trung Đông nói chung lâm vào bi kịch của chiến tranh, nội chiến đẫm máu, đói nghèo đeo bám. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, “Mùa xuân Arab” là chương đáng lưu tâm nhất trong đời sống quốc tế của thế kỷ 21. Trong khi đó, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu vấn đề quốc tế-IAI (Ý) nhận định: “Mùa xuân Arab” đã thổi bùng thêm ngọn lửa chiến tranh, tạo ra nhiều lỗ hổng an ninh.

Câu hỏi lớn được đặt ra: Ai mới là người thực sự hưởng lợi từ đây? Theo chuyên gia phân tích chính trị Maria Dubovikova, Trưởng Câu lạc bộ các nhà nghiên cứu quốc tế về Trung Đông tại Nga: “Vẫn có thể thấy được nhiều kẻ đã “phất lên” từ sự đau khổ của người dân khu vực. Đó là các nhà sản xuất, buôn bán vũ khí. Việc bán vũ khí cho các nước Arab tăng lên rất nhiều kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình”.

Vậy đó, ước mơ về “Mùa xuân Arab” đã không thành hiện thực do những bàn tay đen tối len lỏi vào để chi phối, đạo diễn nhằm phục vụ lợi ích của mình, để rồi cuối cùng người dân phải rơi vào bi kịch đau thương. Đây cũng là bài học cảnh giác không bao giờ thừa cho nhiều quốc gia hiện nay về cái gọi là “cuộc cách mạng màu”!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.