Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 605.586 trường hợp mắc Covid-19 và 11.329 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 129,4 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,8 triệu người không qua khỏi.
Cảnh vắng vẻ tại Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris, Pháp khi các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan, ngày 19-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1-4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 129.421.152 ca, trong đó có 2.826.515 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 104.378.069 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.216.568 ca và 96.392 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 31-3, thế giới có tới 145 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 106 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer. Ành: AFP/ TTXVN |
Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm với 31.158.388 ca mắc và số ca tử vong là 565.066. Brazil đứng thứ hai với 12.748.747 ca nhiễm và 321.515 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 12.220.669 và 162.960.
Trong bối cảnh làn sóng dịch mới đang bùng phát ở Nam Mỹ, Brazil ngày 31-3 đã ghi nhận kỷ lục số ca tử vong ở nước này với 3.579 trường hợp.
Tại châu Âu, trong khi Hungary và Ukaine ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất theo ngày từ trước tới nay, Bulgaria cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có trong 1 ngày với 5.176 ca.
Các dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy trong vài ngày gần đây Hungary là quốc gia Trung Âu này có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất thế giới. Hệ thống y tế của Hungary đang đứng trước nguy cơ quá tải, bất chấp 1/5 dân số trong tổng số 10 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng vaccine. Với tỷ lệ này, Hungary hiện là một trong những quốc gia châu Âu có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất.
Trong khi đó, chính phủ Anh cảnh báo người dân cần nghiêm chỉnh thực thi các quy định về đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Báo cáo của Văn phòng thống kê quốc gia Anh cho thấy hơn 50% dân số Anh đã có kháng thể chống virus SARS-CoV-2.
Tại Pháp, ngày 31-3, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo các trường học ở nước này sẽ đóng cửa từ tuần tới và tình trạng phong tỏa có giới hạn ở Paris cùng các vùng khác sẽ được gia hạn nhằm kiểm soát tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay.
Theo nhà lãnh đạo Pháp, nước này "đang đứng trước nguy cơ mất kiểm soát" do sự lây lan nhanh của chủng virus SARS-CoV-2 mới. Ông cho biết các trường học sẽ đóng cửa trong ba tuần, bao gồm cả hai tuần của kỳ nghỉ mùa Xuân. Và kể từ đêm 3-4 tới và trong 4 tuần, các quy định về du lịch sẽ được áp dụng trên cả nước, các cửa hàng không thiết yếu sẽ bị buộc phải đóng cửa.
Về kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19, Tổng thống Macron thông báo vaccine sẽ có cho những người trên 60 tuổi từ ngày 16-4 và những người trên 50 tuổi từ ngày 15-5.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Macron đã đề cập tới chiến lược phòng chống dịch Covid-19 của Pháp, do trước đó ông đã nhận những chỉ trích từ các đối thủ vì không đưa ra yêu cầu phong tỏa sớm hơn. Tổng thống Macron nói: "Nhiều quốc gia láng giềng của Pháp quyết định phong tỏa, như người hàng xóm Đức, vốn đã phong tỏa trong 4 tháng. Hay những người bạn Italia đã tiến hành phong tỏa tới lần thứ 4. Với lựa chọn của mình, chúng ta đã có những tuần quý giá để trẻ em được đến trường, hàng trăm nghìn công nhân được đi làm".
Theo ghi nhận mới nhất của Bộ Y tế Pháp, nước này có 59.038 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 5.053 người trong tình trạng nguy kịch, tăng so với con số 5.072 của một ngày trước đó.
Về phát triển vaccine, các công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức khẳng định vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em từ 12-15 tuổi. Thông tin này sẽ mở đường cho hai công ty đề nghị cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ phê chuẩn tiêm khẩn cấp cho trẻ em lứa tuổi này trước năm học mới. Hiện vaccine nói trên đã được phê chuẩn sử dụng đối với người từ 16 tuổi trở lên.
Tuần trước, hai công ty trên cũng đã tiêm những liều đầu tiên trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm vaccine với trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi.
Liên quan tới vấn đề gây tranh cãi xoay quanh việc sử dụng vaccine AstraZeneca, sau khi điều tra mối liên hệ giữa vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và hiện tượng hình thành huyết khối sau khi tiêm, các chuyên gia cho biết không phát hiện yếu tố nguy cơ cụ thể nào như tuổi tác, giới tính hay tiền sử bệnh lý. Kết luận trên được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) công bố sau cuộc họp với các chuyên gia ngày 29-3 về phát hiện mới trong cuộc điều tra 62 trường hợp xuất hiện huyết khối hiếm gặp sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca.
EMA khẳng định dựa trên những kiến thức khoa học hiện nay, không có bằng chứng để hạn chế sử dụng vaccine AstraZeneca đối với bất cứ nhóm đối tượng nào. Tuy nhiên, EMA nêu rõ ủy ban an toàn của cơ quan này đang phân tích bổ sung và dự kiến sẽ đưa ra những khuyến nghị mới nhất về vaccine của AstraZeneca trong cuộc họp hằng tháng diễn ra vào tuần tới.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Tuebingen, Đức ngày 20-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông báo của EMA nhắc lại khuyến nghị của chính cơ quan này đưa ra ngày 18-3, rằng hiệu quả của vaccine AstraZeneca trong hạn chế nguy cơ tử vong và nhập viện lớn hơn nhiều so với những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, mọi người nên biết về nguy cơ xuất hiện huyết khối và nên hỏi ý kiến bác sĩ ngay trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng.
Liên quan đến nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, ngày 31-3, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cuối tuần này, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp nhận tổng cộng 107 triệu liều vaccine bao gồm 67,2 triệu liều vaccine của BioNtech/Pfizer, 29,8 triệu liều của AstraZeneca và 9,8 triệu liều của Moderna.
Trong số này, lượng vaccine ngừa Covid-19 mà EU tiếp nhận từ AstraZeneca trên thực tế chỉ đạt 25% so với hợp đồng đã ký giữa hai bên. Tình trạng thiếu hụt vaccine đã khiến chương trình tiêm chủng tại các nước trong khu vực bị chậm trễ và tụt hậu so với nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh và Israel.
Tuy nhiên, EC cho biết đến cuối tháng 6 tới, nhiều khả năng EU sẽ nhận được ít nhất 300 triệu liều vaccine, trong đó có 55 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định khối 27 quốc gia vẫn đi đúng hướng để đạt được mục tiêu là 70% người trưởng thành được tiêm chủng vào cuối mùa Hè này.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 25-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Tại châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 31-3 cảnh báo làn sóng Covid-19 mới đang hoành hành ở khu vực châu Mỹ có thể sẽ kéo dài hơn so với trước đây như đang xảy ra ở Brazil, Uruguay và Cuba, đồng thời khuyến cáo các nước cần siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết số ca mắc bệnh mới ở khu vực châu Mỹ sẽ tăng lên một cách đáng lo ngại, thậm chí là tại cả các nước đã vượt qua được làn sóng Covid-19 thứ nhất nếu không có những biện pháp đối phó phù hợp. Bà Etienne cho rằng việc các nước ở Bán cầu nam vừa kết thúc kỳ nghỉ hè, các gia đình và bạn bè gặp gỡ, hội họp đông người là một trong những nguyên nhân khiến sự lây lan của Covid-19 tiếp tục lan rộng. Chính vì vậy, chính phủ các nước cần phải cẩn trọng trước khi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
Theo thống kê của PAHO, đến nay đã có 19,7 triệu trường hợp mắc Covid-19 ở châu Mỹ, trong đó có 475.000 ca tử vong. Bà Etienne nhấn mạnh, tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại Brazil khi số ca mắc bệnh mới và tử vong tăng đột biến và tỷ lệ sử dụng của các khoa chăm sóc tích cực tại các bệnh viện chiếm tới 80%.
PAHO cũng xác định có ít nhất là 1 trong 3 loại biến thể của Covid-19 có sức lây lan mạnh hơn nhiều tại 32 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Mỹ. Ngoài ra, Viện Butantan của Brazil cũng vừa phát hiện ra một biến thể mới của Covid-19 tương tự như chủng đã được phát hiện ở Nam Phi.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng, đến nay mới chỉ có 124 triệu người ở khu vực châu Mỹ được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi 58 triệu người đã hoàn tất cả 2 liều vaccine. Bà Etienne thừa nhận, việc cung cấp vaccine cho các nước trong khu vực đến nay vẫn là thách thức lớn nhất của PAHO, đồng thời kêu gọi các nước có thừa vaccine nên chia sẻ với các nước khác.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31-3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.757 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 58.800 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như ca tử vong mới cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12-3-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều hơn “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong lại tăng mạnh trở lại so với các ngày trước.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 22 bệnh nhân mới mắc Covid-19.
Thái Lan dù đã qua những ngày “nóng nhất” song số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 31-3 ghi nhận thêm 42 ca bệnh mới.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 62 bệnh nhân mới trong ngày 31-3. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 58.806 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 217 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.842.084 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.505.053 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh.
Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được cải thiện dù còn nhiều bất trắc sau dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Phát biểu trước thềm hội nghị mùa Xuân thường niên do IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức, bà Georgieva cho biết hồi tháng 1-2021, IFM dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 5,5% trong năm nay, tuy nhiên, "giờ đây chúng tôi dự báo mức tăng trưởng sẽ cao hơn".
Theo bà Georgieva, các nhân tố chính dẫn tới triển vọng trên là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD và tín hiệu tốt từ các nền kinh tế lớn khác nhờ nỗ lực tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tổng Giám đốc IMF cho biết các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ các chính sách hỗ trợ tài chính trị giá 16.000 tỷ USD và việc các ngân hàng trung ương "bơm lượng tiền mặt lớn vào lưu thông". Bà nhấn mạnh nếu không triển khai các chính sách hiệu quả trên, kinh tế toàn cầu sẽ không chỉ suy giảm 3,5% năm 2020 mà có thể "gấp 3 lần".
Bà Georgieva cũng ca ngợi những nỗ lực phi thường của đội ngũ nhân viên y tế trên toàn thế giới bao gồm các bác sỹ, y tá và đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu vaccine đã góp phần quan trọng ngăn ngừa dịch Covid-19.
Tuy nhiên, IMF đã nhìn thấy ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy một "sự phục hồi đa tốc độ", khi nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc được dự báo tăng trưởng mạnh vào cuối năm 2021, cao hơn thành quả mà họ từng đạt được trước khi dịch bùng phát.
Theo Baotintuc.vn