ĐÀM PHÁN THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN

Khó tháo gỡ nút thắt

.

Vòng đàm phán trung gian nhằm đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã kết thúc vào ngày 9-4 mà không đưa ra dấu hiệu nào về tiến triển trong việc tháo gỡ nút thắt giữa Washington và Tehran.

Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) tiến hành đàm phán ở Vienna (Áo) ngày 6-4. Ảnh: THX
Ủy ban Hỗn hợp về thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) tiến hành đàm phán ở Vienna (Áo) ngày 6-4. Ảnh: THX

Hãng tin AP cho biết, các phái đoàn của nhóm P4+1 (gồm Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và Đức) bước vào vòng đàm phán tiếp theo trong tuần này ở thủ đô Vienna của Áo nhằm hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

Trên Twitter, ông Mikhail Ulyanov thuộc phái đoàn Nga viết: “Các bên tham gia hài lòng về những tiến triển ban đầu”. Song thực tế, sự phức tạp về kỹ thuật của vấn đề hạt nhân và những rắc rối pháp lý của việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt khiến vòng đàm phán tuần trước khó đạt được tiến triển. Cuộc họp tiếp theo được nối lại trong tuần này cũng được xem là cơ hội để các bên tháo gỡ bế tắc.

Các cuộc đàm phán trung gian diễn ra mà không có sự tham dự trực tiếp của Mỹ, quốc gia đã đơn phương rời JCPOA vào năm 2018 dưới thời Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump. Ông Trump khi ấy đã theo đuổi chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Iran bằng cách khôi phục các lệnh trừng phạt cũ và áp thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, một phái đoàn Mỹ do đặc phái viên của chính phủ Tổng thống Joe Biden về vấn đề Iran, ông Rob Malley, dẫn đầu cũng đã đến Vienna tuần trước.

Hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, bầu không khí chung rất “đáng khích lệ” nhưng Washington chờ Iran thể hiện động thái nghiêm túc nếu chính phủ của ông Joe Biden dỡ bỏ trừng phạt. Tổng thống Joe Biden - người từng làm Phó Tổng thống của ông Barack Obama, thời điểm nhóm P5+1 và Iran ký JCPOA - muốn đưa Mỹ tham gia thỏa thuận một lần nữa nhưng với điều kiện Tehran phải từ bỏ các vi phạm và trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Theo hãng thông tấn ISNA của Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho rằng, cuộc họp ở Vienna tuần trước đã đi đúng hướng và có những động thái tích cực từ nhóm P4+1. Tuy nhiên, ông Khatibzadeh vẫn tuyên bố Iran sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp với Mỹ nếu Washington từ chối dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Điều đáng nói là sau sự kiện nói trên ở Vienna, Iran ngay lập tức đưa vào hoạt động 164 máy ly tâm IR-6 và 30 máy ly tâm IR-5 tại nhà máy làm giàu uranium Natanz. Các máy ly tâm IR-6 và IR-5 sẽ giúp làm giàu uranium với tốc độ nhanh hơn, số lượng lớn hơn so với các máy ly tâm thế hệ đầu tiên của Iran - loại duy nhất mà Tehran được phép sử dụng theo quy định của JCPOA. Các nhà quan sát cho rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo một mặt muốn đàm phán, một mặt muốn gây sức ép buộc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, nhưng mặt khác lại kiên định lập trường của mình, đó là theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình - như tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 10-4.

Cả Mỹ lẫn Iran đều không kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ tạo bước đột phá, nhưng không nước nào từ bỏ hẳn cơ hội đàm phán, dù phải qua trung gian P4+1 (với sự hiện diện của Ủy ban Hỗn hợp về JCPOA tại Vienna). Sự “tiến thoái lưỡng nan” này sẽ khiến số phận JCPOA lơ lửng. Xem ra chẳng bên nào chịu nhượng bộ trước để tháo gỡ nút thắt, bởi Tổng thống Biden có những cái khó khi đối mặt với sức ép từ đảng Cộng hòa, còn Iran muốn tạo thế cho mình sau thời gian dài khủng hoảng kinh tế do các biện pháp trừng phạt và tác động của Covid-19.

TÚ PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.