Trong tuần qua, những diễn biến đáng quan tâm là Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) tháng 4-2021 và giao thông được nối lại tại kênh đào Suez.
Việt Nam tái đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ
Quang cảnh buổi họp báo quốc tế về tháng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Hữu Thanh/Pv TTXVN tại New York |
Trong tháng 4 này, Việt Nam lần thứ 2 đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai, đồng thời cũng là kỳ Chủ tịch cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021.
Hãng thông tấn Prensa Latina (Cuba) dẫn lời ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao Việt Nam) cho biết chương trình hoạt động trong tháng 4 của HĐBA sẽ bao gồm gần 30 cuộc họp cấp đại sứ.
Với tư cách Chủ tịch, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên là khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hoà bình bền vững; tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống của người dân trong xung đột vũ trang.
Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, trong sáng 1-4, HĐBA LHQ đã thông qua chương trình làm việc tháng 4-2021 do Việt Nam đề xuất. Chiều cùng ngày, Việt Nam đã giới thiệu chương trình làm việc đến các nước thành viên LHQ ngoài HĐBA.
Nhiều nước đã gửi lời chúc mừng Việt Nam chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA tháng 4-2021, cảm ơn quan tâm và nỗ lực của Việt Nam trong đóng góp vào hoạt động của HĐBA cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.
Chiều 1-4, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã chủ trì họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch HĐBA trực tiếp tại trụ sở LHQ kết hợp trực tuyến. Buổi họp báo thu hút đông đảo phóng viên, đại diện các hãng thông tấn, cơ quan báo chí thường trú tại LHQ tham dự.
Kênh đào Suez được thông nhưng tương lai vẫn chưa thoáng
Tàu Ever Given gây tắc nghẽn kênh đào Suez từ 23-3. Ảnh: EPA |
Kênh đào Suez tại Ai Cập được khơi thông ngày 29-3 sau khi quá trình giải cứu tàu container Ever Given tiến hành thành công. Ever Given dài 400 mét, là một trong những tàu vận tải lớn nhất thế giới. Con tàu này mắc cạn tại kênh đào Suez từ sáng 23-3. Công ty vận tải biển Đài Loan (Trung Quốc) Evergreen là đơn vị vận hành Ever Given.
Ngày 29-3, truyền hình địa phương đã tường thuật trực tiếp cảnh tàu kéo di chuyển Ever Given từ từ ra khỏi phần giữa kênh đào với vận tốc khoảng 2,8km-giờ. Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) khi này cũng thông báo với các công ty vận tải biển rằng giao thông sẽ nối lại từ 7 giờ tối cùng ngày. Đến ngày 31-3, SCA công bố giao thông tại kênh đào Suez đã quay trở lại mức bình thường với 81 tàu di chuyển qua nơi đây.
Chủ tịch SCA Osama Rabie cho biết có trên 369 tàu vận tải biển xếp hàng chờ đợi kênh đào Suez được thông để di chuyển qua. Ông Rabie phát biểu trên truyền hình Ai Cập: “Chúng tôi sẽ không lãng phí dù chỉ một giây”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá việc kênh đào Suez được khơi thông mới chỉ là khởi đầu của khó khăn trước mắt đối với ngành vận tải biển thế giới. Tập đoàn hàng hải Maersk đánh giá gián đoạn với ngành vận tải biển toàn cầu sẽ được thấy rõ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới. Đặc biệt là thiệt hại về tài chính.
Giáo sư Ioannis Theotokas tại Đại học Piraeus (Hy Lạp) phân tích: “Kênh đào Suez tắc nghẽn dẫn đến thiệt hại lớn đối với các chủ sở hữu tàu vận tải”. Theo đó, rủi ro đi kèm với giá hàng hóa dao động, thay đổi đối với thời gian và chi phí của chuyến hành trình.
Công ty dữ liệu Refinitiv ước tính phải mất hơn 10 ngày để xử lý được tình trạng tồn đọng tàu. Trong khi đó, nhiều tàu vận tải lựa chọn con đường thay thế là đi qua Mũi Hảo Vọng – góp phần cộng thêm 2 tuần và hàng trăm nghìn USD chi phí cho hành trình.
Tình trạng tắc nghẽn vừa qua khiến kênh đào Suez “bốc hơi” từ 14-5 triệu USD-ngày. Ngoài ra, nhiều tàu chở dầu dậm chân tại chỗ gây rủi ro cho các công ty vốn phải đau đầu xử lý tình trạng hạn chế do dịch COVID-19.
Hai công ty phân tích Mỹ là Dun & Bradstreet và E2open nhận định tác động từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez có ảnh hưởng khác biệt đến từng vùng. Theo Dun & Bradstreet và E2open, châu Âu dự kiến chịu tác động mạnh nhất. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại châu Á sẽ không chỉ ảnh hưởng bởi tình trạng trì hoãn hàng hóa từ châu Âu mà còn bởi thiếu hụt container trống quay trở về khu vực-gây giảm năng lực vận chuyển hàng hóa đến khắp thế giới.
Theo Báo Tin Tức