Mặc dù Mỹ và Iran chỉ mới khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran qua các bên trung gian, chứ không diễn ra trực tiếp, nhưng đây là bước tiến tích cực để Washington có thể trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo ở Qom, miền bắc Iran. Ảnh: AFP |
Hãng tin AFP cho biết, các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran hồi tháng 7-2015 (tức JCPOA), bao gồm: Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức, sẽ gặp gỡ trực tiếp tại thủ đô Vienna của Áo ngày 6-4. Mỹ không tham gia trực tiếp các cuộc gặp, nhưng lần đầu tiên kể từ năm 2018 - thời điểm ông Donald Trump rút khỏi JCPOA, một phái đoàn của Washington sẽ có mặt tại sự kiện đàm phán hiếm hoi này. Các nước trung gian sẽ có những cuộc tiếp xúc riêng lẻ với Mỹ ở Vienna.
“Sẽ có những cuộc thảo luận khó khăn”
Theo quy định của JCPOA, Iran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân, chấp thuận các cuộc thanh sát để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây và quốc tế. Ngày 9-5-2018, ông Donald Trump lúc đó làm Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rút khỏi JCPOA, cho rằng thỏa thuận này có quá nhiều lỗ hổng và Tehran không tôn trọng cam kết. Ông Trump thậm chí gọi đây là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất lịch sử”, vì nó không thể ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Đến khi ông Joe Biden làm Tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo này cam kết tham gia trở lại JCPOA với điều kiện Iran trước hết phải tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, Iran khăng khăng muốn Mỹ phải kết thúc các biện pháp trừng phạt trước, đồng thời từ chối đàm phán trực tiếp với Washington. Giờ đây, đề cập cuộc đàm phán qua trung gian ở Vienna ngày 6-4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Không có cuộc gặp Iran - Mỹ. Không cần thiết”, ông Zarif viết trên Twitter.
Trong khi đó, AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi đàm phán ở Vienna là “bước đi tích cực” và Washington vẫn để ngỏ đối thoại với Tehran. Song, ông Price không kỳ vọng có bất kỳ sự đột phá nào bởi “sẽ có những cuộc thảo luận khó khăn ở phía trước”. Một quan chức khác thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, các bước dỡ bỏ trừng phạt sẽ được thảo luận.
Chờ “điểm cộng cho an ninh khu vực”
Vấn đề đặt ra hiện nay là Mỹ và Iran đang tranh cãi về việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn JCPOA. Bất đồng này khiến số phận của JCPOA có sự tham gia của đầy đủ các bên P5+1 (tức trong đó có Mỹ) là rất mong manh.
Một vấn đề khác là Iran phản đối việc dỡ bỏ từng bước các biện pháp trừng phạt. Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 3-4 nhấn mạnh: “Chính sách kiên quyết của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran là gỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Các nước tham gia JCPOA muốn cứu vãn thỏa thuận này bởi họ muốn tiếp tục thương mại với Iran nhưng ngại lệnh trừng phạt của Mỹ. Pháp kêu gọi Iran thể hiện lập trường mang tính xây dựng trong cuộc đàm phán sắp tới. Hãng tin AFP dẫn lời nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora cho rằng, còn rất nhiều điều cần làm để làm sống lại thỏa thuận. Một quan chức cấp cao khác của EU cho biết, Brussles hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc Mỹ trở lại JCPOA trong vòng 2 tháng tới. Theo quan chức này, hai nhóm chuyên gia của các nước tham gia JCPOA sẽ làm việc cùng lúc, một nhóm tập trung thuyết phục Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, một nhóm tập trung ngăn chặn động thái vi phạm của Iran.
Vấn đề còn lại phụ thuộc vào động thái của cả Mỹ lẫn Iran. Việc khởi động đàm phán qua trung gian có thể mở đường cho một cuộc đàm phán trực tiếp nếu các bất đồng được giải quyết. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã nói: “Chúng ta không nên lãng phí thời gian. Một hiệp ước được tôn trọng hoàn toàn một lần nữa sẽ là điểm cộng cho an ninh khu vực”.
TÚ PHƯƠNG