WHO muốn điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19

.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, cần điều tra hơn nữa về nguồn gốc Covid-19 và tất cả các giả thuyết hiện nay vẫn để ngỏ.

Chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) bị đóng cửa hồi đầu năm 2020 sau khi phát hiện các ca nhiễm Covid-19. Ảnh: CNN
Chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) bị đóng cửa hồi đầu năm 2020 sau khi phát hiện các ca nhiễm Covid-19. Ảnh: CNN

Các chuyên gia WHO đã có chuyến làm việc ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tháng 1 và tháng 2-2021 sau hơn 1 năm Covid-19 bùng phát. Đến ngày 30-3, WHO công bố báo cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch đã làm gần 129 triệu người mắc và hơn 2,8 triệu người tử vong, theo trang thống kê worldometers.

4 giả thuyết chính

Hãng tin CNN cho biết, báo cáo 120 trang không đưa ra kết luận chắc chắn nào nhưng đề cập 4 giả thuyết chính. Thứ nhất, nhiều khả năng SARS-CoV-2 lây sang người từ một động vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Song, báo cáo không nêu rõ đó là loài vật nào.

Thứ hai, virus lây truyền từ một loại động vật mang virus Corona tương tự như dơi hay tê tê.

Thứ ba, virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh là “ít có khả năng”.

Thứ tư, virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “rất khó xảy ra”. Cũng theo báo cáo, virus đã lây lan trên người không quá 1-2 tháng trước khi được phát hiện vào tháng 12-2019.

Về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm “rất khó xảy ra”, điều này trái ngược với cáo buộc của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã để lọt SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán. Lúc làm Tổng thống Mỹ, ông Trump chỉ đưa ra cáo buộc mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào.

Tuy nhiên, theo Reuters, ông Tedros giờ đây vẫn kêu gọi tăng cường điều tra về giả thuyết SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm. Người đứng đầu WHO cho rằng, cuộc điều tra về giả thuyết nói trên vẫn chưa đầy đủ và cần có nhiều dữ liệu để đưa ra kết luận chắc chắn hơn. “Báo cáo là một khởi đầu quan trọng, nhưng chưa phải là điểm kết thúc của quá trình điều tra”, ông Tedros nói.

Hãng tin CNN cũng cho hay, ông Tedros chỉ trích Trung Quốc không công bố dữ liệu đầy đủ cho các chuyên gia quốc tế. Nhóm chuyên gia của WHO đã gặp khó khăn khi tiếp cận các dữ liệu gốc. “Tôi hy vọng các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ toàn diện và kịp thời hơn về dữ liệu”, ông Tedros nhấn mạnh.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời Trưởng nhóm công tác WHO tới Vũ Hán, TS. Peter Ben Embarek rằng, nhóm của ông mới chạm đến bề mặt sự việc và cần thêm nhiều nghiên cứu. Theo ông, rất có thể virus đã xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào tháng 10 hoặc tháng 11-2019 và lây lan ra nước ngoài sớm hơn những gì được ghi nhận vào thời điểm đó. Ông Embarek khẳng định, nghiên cứu giai đoạn 2 là điều bắt buộc nếu muốn làm sáng tỏ nguồn gốc của Covid-19.

Mỹ và 13 nước phản ứng

Thông tin từ Reuters cho hay, Mỹ và 13 nước gồm Úc, Canada, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia, Vương quốc Anh vừa ký một tuyên bố chung chỉ trích báo cáo của WHO. Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về công tác điều tra nguồn gốc Covid-19 bị trì hoãn quá lâu và nhóm chuyên gia không được tiếp cận đầy đủ dữ liệu thô trong quá trình điều tra. “Điều then chốt là các chuyên gia độc lập phải có quyền tiếp cận đầy đủ những dữ liệu thích hợp về con người, động vật, môi trường và những người liên quan đến giai đoạn đầu bùng phát dịch nhằm xác định cách thức đại dịch bùng phát”, tuyên bố chung nêu rõ.

Năm ngoái, Mỹ và một số nước cho rằng, SARS-CoV-2 có thể đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc và Bắc Kinh che giấu quy mô dịch bệnh. Tuy nhiên, Trung Quốc ngay từ đầu đã bác bỏ giả thuyết này, đồng thời chỉ trích phương Tây tìm cách “chính trị hóa” một vấn đề mang tính khoa học.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 31-3, theo CNN, trước động thái của Mỹ và 13 nước nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, việc “chính trị hóa” vấn đề truy tìm nguồn gốc Covid-19 là “vô đạo đức”. “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, truy xuất nguồn gốc là một vấn đề khoa học, cần được thực hiện trên sự hợp tác của các nhà khoa học toàn cầu và không thể bị chính trị hóa”, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích