Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 814.729 trường hợp mắc Covid-19 và 13.778 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 155 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,25 triệu người không qua khỏi.
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Kathmandu, Nepal. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6-5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 155.793.615 ca, trong đó có 3.254.500 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 133.944.848 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.594.267 ca và 110.267 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 5-5, thế giới có tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 593.091 ca tử vong trong tổng số 33.314.351 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 230.151 ca tử vong trong số 21.070.852 ca bệnh. Ngày 5-5, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay với 3.982 ca trong vòng 24 giờ, trong khi ghi nhận thêm 412.618 ca mắc mới. Đây cũng là ngày thứ 14 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới. Đứng thứ 3 là Brazil với 414.399 ca tử vong trong số 14.860.812 bệnh nhân.
Ở khu vực Đông Á, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ sớm lắng dịu bất chấp những biện pháp quyết liệt của chính quyền các địa phương. Trong khi đó, Hàn Quốc miễn cách ly bắt buộc đối với người được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19.
Theo đó, ngày 5-5, những người đã được tiêm đủ liều vaccine sẽ không phải thực hiện việc cách ly bắt buộc 14 ngày khi trở về Hàn Quốc, kể cả gần đây có tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người trở về từ các nước có số ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao như Nam Phi và Brazil.
Chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại nghĩa trang ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4-5-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Tại châu Đại Dương, bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất Australia, đã thông báo ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong hơn một tháng qua. Hiện giới chức y tế đang nỗ lực truy vết nguồn lây. Trước diễn biến mới, Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng dịch gồm duy trì giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, xét nghiệm ngay khi có các triệu chứng nhẹ nhất, sử dụng mã QR...
Tại châu Mỹ, các nước ở khu vực Mỹ Latinh tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong mới, trong đó có Cuba, Argentina và Chile. Còn tại Bắc Mỹ, chính quyền Alberta - một tỉnh miền Tây Canada - vừa ra thông báo áp đặt thêm các biện pháp nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19, khi làn sóng thứ ba bùng phát mạnh đã biến Alberta trở thành nơi có tỷ lệ lây nhiễm tính trên đầu người cao nhất ở Bắc Mỹ, đe dọa đẩy hệ thống y tế của tỉnh vào tình trạng sụp đổ.
Các trường học tại Alberta sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến bắt đầu từ ngày 7-5. Còn từ ngày 5-5, các cuộc tụ họp ở không gian ngoài trời sẽ chỉ giới hạn trong 5 người và các nhà bán lẻ phải hoạt động ở mức 10% công suất. Các nhà hàng phục vụ ở không gian ngoài trời vẫn được phép mở cửa, trừ các tối Chủ nhật. Các phòng tập thể hình, thẩm mỹ viện, tiệm xăm... phải đóng cửa.
Ngày 5-5, Canada đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ trên 12 tuổi.
Theo cố vấn y tế thuộc Bộ Y tế Canada, bà Supriya Sharma, đây là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được Canada cấp phép dành cho trẻ em, đánh dấu bước tiến của Canada trong cuộc chiến chống đại dịch. Bà cho biết quyết định này được đưa ra sau khi dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm cho thấy loại vaccine này an toàn cho cả trẻ em và người lớn.
Trước đó, ngày 4-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em độ tuổi 12-15 tại Mỹ nếu loại vaccine này được các cơ quan quản lý phê duyệt cấp phép sử dụng.
Hiện Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bắt đầu đánh giá việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho nhóm đối tượng từ 12-15 tuổi theo đề nghị của phía Mỹ. Dự kiến, kết quả đánh giá sẽ có vào tháng 6.
Trước đó, ngày 30-4, hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã đề nghị EMA cấp phép sử dụng vaccine do hai hãng này phối hợp phát triển cho nhóm đối tượng từ 12-15 tuổi. Pfizer và BioNTech cam kết có đủ vaccine cung cấp cho nhóm đối tượng này từ tháng 6 tới. Hiện hai hãng trên cũng đang có kế hoạch đưa ra đề nghị tương tự với cơ quan quản lý dược phẩm ở các nước khác trong những ngày tới.
Tháng 3 vừa qua, Pfizer và BioNTech khẳng định trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng, vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đối với trẻ em từ 12-15 tuổi và tạo kháng thể mạnh. Tuy nhiên, hiện vaccine Pfizer/BioNTech mới chỉ được cấp phép sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên.
Trong khi đó, các nước ở châu Phi thiếu nghiêm trọng vaccine ngừa Covid-19 sau khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vaccine do diễn biến dịch phức tạp tại nước này đã dẫn đến nguồn cung cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX dần cạn kiệt.
Hầu hết các nước tại châu lục này dựa vào nguồn vaccine của COVAX, chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng để đảm bảo các nước nghèo được tiếp cận công bằng với vaccine, với nhà cung cấp vaccine chính là Viện huyết thanh của Ấn Độ (SII). Hiện tại chương trình COVAX đang cần gấp 20 triệu liều vaccine vào cuối tháng 6 tới để giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn cung và đã kêu gọi sự chia sẻ từ các quốc gia giàu có đang dư thừa nguồn vaccine.
Do tỷ lệ người dân được tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, giới chức y tế Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi - cảnh báo nước này có nguy cơ phải đối mặt với sự bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba. Từ ngày 5-3, Nigeria bắt đầu chương trình tiêm đại trà vaccine ngừa Covid-19 với lô vaccine đầu tiên gồm 3,94 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca thông qua chương trình COVAX. Tuy nhiên đến ngày 4-5, Nigeria mới chỉ nhận khoảng 1,2 triệu liều vaccine này. Để đạt miễn dịch cộng đồng, Nigeria đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số vào cuối năm nay và 70% dân số vào năm 2022.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, WHO đã quyết định thành lập một trung tâm thu thập thông tin đại dịch toàn cầu tại Đức. Trung tâm này sẽ tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức học thuật và khu vực tư nhân, nhằm khai thác dữ liệu toàn cầu phục vụ công tác dự báo và ứng phó với những rủi ro dịch bệnh tiềm ẩn trên thế giới.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5-5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 176.735 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 69.440 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Dù Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 4 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 3-5-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 5-5 ghi nhận thêm 2.112 ca bệnh mới và có 15 ca tử vong.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 672 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 5-5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 69.448 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 301 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.753.178 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.125.011 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận các ca Covid-19 mới.
Theo Báo Tin tức