Làn sóng dịch mới từ biến thể Delta

.

Biến thể SARS-CoV-2 mang tên Delta đang làm bùng phát làn sóng dịch mới, thậm chí ở cả những quốc gia, khu vực có tỷ lệ dân số tiêm chủng cao.

Người dân chờ tiêm vắc-xin Sinovac ngừa Covid-19 ở thành phố Medan, thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatra (Indonesia) ngày 28-6. Ảnh: AP
Người dân chờ tiêm vắc-xin Sinovac ngừa Covid-19 ở thành phố Medan, thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatra (Indonesia) ngày 28-6. Ảnh: AP

Báo The Guardian của Anh dẫn lời Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Delta là biến thể có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay. Số ca nhiễm mới gia tăng ở Nga, Anh, Úc, Israel, Indonesia và khắp châu Phi, hầu hết đều do biến thể Delta. Theo các quan chức WHO, một số nước tưởng như đã khống chế được Covid-19 thì nay phải đối mặt với làn sóng dịch mới.

Thống kê của WHO cho hay, biến thể Delta (lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 4-2021) hiện có mặt ở ít nhất 92 quốc gia và được cho là có mức độ dễ lây hơn 40-60% so với biến thể Alpha (được phát hiện lần đầu tiên ở Anh). Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính đến đầu tháng 8, biến thể Delta có thể chiếm tới 70% số ca mắc Covid-19 mới tại “lục địa già” và đến cuối tháng 8, con số này sẽ là 90%, theo thông tin từ Reuters.

TS. Anthony Fauci, chuyên gia về dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, cũng gọi biến thể Delta là “mối đe dọa lớn nhất” trong cuộc chiến chống đại dịch. Báo chí Mỹ ngày 29-6 dẫn lời ông Fauci kêu gọi tăng tốc tiêm chủng. Trong lúc đó, một số nghiên cứu cho rằng, vắc-xin ngừa Covid-19 giảm hiệu quả đôi chút đối với biến thể Delta, nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nếu tiêm đủ 2 liều.

Tại Anh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson lùi kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế đến ngày 19-7. Tại Úc, Brisbane là thành phố thứ tư ban bố lệnh phong tỏa từ đêm 29-6 nhằm ngăn chặn virus lây lan. Úc đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng nay phải đối phó với làn sóng dịch mới do biến thể Delta.

Ở Đông Nam Á, Indonesia hiện mỗi ngày ghi nhận thêm hơn 20.000 ca nhiễm mới, gây quá tải cho hệ thống y tế. Jan Gelfand, người đứng đầu phái đoàn Indonesia của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), cảnh báo: “Mỗi ngày chúng ta thấy biến thể Delta đang đưa Indonesia đến bên bờ vực thảm họa Covid-19”.

Theo Reuters, Indonesia đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng đến nay chỉ khoảng 13 triệu người trong tổng số hơn 181 triệu dân số được tiêm chủng. Chính phủ Indonesia đang xem xét để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn nhằm tránh trở thành “Ấn Độ thứ hai”.

Trong lúc đó, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 29-6 ghi nhận hơn 37.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Nam Á này lên hơn 30,3 triệu ca.

Tại Israel - quốc gia đã tiêm chủng cho 57% dân số, số ca nhiễm mới tăng lên trung bình 142 ca/tuần tính đến ngày 28-6, tăng gấp 8 lần so với tuần trước đó; các trường hợp nhiễm mới cũng do biến thể Delta. Điều đáng nói, có tới 30% số ca nhiễm mới ở Israel là những người đã được tiêm vắc-xin và 1/2 trong số đó là trẻ em. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính phủ Israel hoãn việc mở cửa biên giới để đón khách du lịch nước ngoài sang ngày 1-8, thay vì bắt đầu từ ngày 1-7.

Tại châu Phi, theo BBC, biến thể Delta xuất hiện ở 14/54 quốc gia, trong lúc chỉ 1,1% trong tổng số 1,3 tỷ dân đã được tiêm chủng đầy đủ. Nam Phi nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 4 - dưới cấp độ cao nhất 1 bậc để đề phòng sự lây nhiễm. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Dù vậy, giới chức Nam Phi, Uganda, Congo, Zambia đều lo ngại các biện pháp như vậy sẽ không ngăn được “thảm họa y tế” xảy ra ở “lục địa đen”. WHO cũng khuyến khích những người đã được tiêm phòng đầy đủ đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp an toàn khác.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.