Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31-8, lực lượng Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ của quốc gia Nam Á này.
Sau rất nhiều năm đồn trú, quân đội Mỹ đã rời căn cứ Bagram ở Afghanistan vào đầu tháng 7-2021. Ảnh: Getty Images |
Từ ngày 1-5-2021, các lực lượng nước ngoài, trong đó có Mỹ, rút quân khỏi Afghanistan, khép lại cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết rút hết binh lính về nước trước ngày 11-9, và nay ông tuyên bố sẽ hoàn thành sứ mệnh quân sự sớm hơn dự kiến, tức kết thúc vào ngày 31-8, theo AP.
Mong muốn của Tổng thống Biden là “người dân Afghanistan cần phải tự quyết định tương lai của họ” và Mỹ đã đạt được mục tiêu khi xóa sổ mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, ngăn chặn được các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ như vụ 11-9-2001. “Tôi sẽ không phái một thế hệ lính Mỹ khác tới tham chiến ở Afghanistan”, ông Biden nói.
Song, người đứng đầu Nhà Trắng nhìn nhận rằng, rất khó để chính phủ Kabul có thể kiểm soát được toàn bộ đất nước. Theo các nhà quan sát, Tổng thống Biden cũng không biết chắc chắn “tương lai của người Afghanistan” như thế nào, nhưng ông bác bỏ vai trò tiếp quản nhiều khả năng sẽ thuộc về Taliban. Những gì mà Washington có thể làm trong thời gian tới là tiếp tục hỗ trợ chính phủ và các lực lượng an ninh Afghanistan; duy trì sự hiện diện ngoại giao tại quốc gia Nam Á này; bảo đảm an ninh cho sân bay quốc tế Kabul và theo đuổi một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt bạo lực.
Về phía Taliban, dĩ nhiên lực lượng này hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen mô tả việc quân đội Mỹ và nước ngoài rời Afghanistan sớm hơn dự kiến là “một bước đi tích cực”. Vài giờ sau đó, Shahabuddin Delawar - một quan chức của Taliban - nói rằng hiện họ kiểm soát 85% lãnh thổ ở Afghanistan, trong đó có biên giới quan trọng với Iran.
Hãng tin Reuters cho biết, những ngày qua, Taliban đã tiến hành một loạt vụ tấn công chiếm các quận/huyện tại nhiều tỉnh biên giới giáp 5 quốc gia gồm: Iran, Tajikistan, Turkmenistan, Trung Quốc và Pakistan. Tại tỉnh phía Bắc Balkh, giáp Uzbekistan, giao tranh giữa Taliban và quân đội chính phủ Kabul cũng diễn ra. Rõ ràng Taliban vừa đánh, vừa hòa đàm, một mặt chiếm cứ nhiều quận/huyện ở Afghanistan, một mặt bày tỏ mong muốn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán.
Ngày 7 và 8-7, trong cuộc gặp tại thủ đô Tehran của Iran, phái đoàn Taliban và đại điện của chính phủ Afghanistan thống nhất rằng, cần chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, đồng thời tìm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, tình hình an ninh ở Afghanistan càng xấu đi trong hơn 2 tháng qua.
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định chính phủ của ông có thể kiểm soát được tình hình mặc dù nhiều khó khăn vẫn còn phía trước. “Những gì chúng ta đang chứng kiến là một trong những giai đoạn phức tạp nhất của sự chuyển giao”, ông Ghani phát biểu.
Đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban được khởi động từ tháng 9-2020. Song, ngay trong chính phủ của ông Ghani cũng chia rẽ về vấn đề chia sẻ quyền lực và cho phép các thành viên Taliban tham gia chính phủ lâm thời. Nhiều chính trị gia lo ngại Taliban có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa.
Thêm vào đó, bạo lực leo thang phủ bóng lên tiến trình đàm phán và đặt ra những nghi ngại rằng, liệu có thể khép lại cuộc chiến tranh này không; Taliban có từ bỏ mục tiêu tái lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo” tại khu vực không… Thành ra, không ai đoán định được những diễn biến về an ninh ở Afghanistan khi quân đội nước ngoài rời đi, đồng thời việc đạt được một thỏa thuận chính trị lâu dài giữa chính phủ Kabul và Taliban là điều không dễ.
BÌNH YÊN