Kịch bản cho Afghanistan khi Mỹ rút quân

.

Sau gần 20 năm đóng quân, quân đội Mỹ đã lặng lẽ rút khỏi căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan trong đêm mà không thông báo cho chỉ huy mới của căn cứ là người địa phương.

Các nhà quan sát đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh việc Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan, chẳng hạn: Đánh giá tổng kết như thế nào về 20 năm Mỹ dấn thân quân sự ở khu vực? Đâu là hệ quả cho sự rút lui này? Kịch bản nào cho Afghanistan khi Mỹ rời đi? Quyết định rút quân cho thấy điều gì về những ưu tiên mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden?

Bên cạnh đó, các nhà phân tích có chung một nhận xét khái quát, đó là “khoảng trống quyền lực” và “vị đắng” của cuộc chiến tranh mà Mỹ can thiệp ở Afghanistan.

Một là về “khoảng trống quyền lực”. Ban đầu, Mỹ đã nhanh chóng đè bẹp Taliban và tiêu diệt phần lớn lực lượng Al-Qaeda, lập chính quyền mới ở Kabul. Nhưng rồi Taliban, Al-Qaeda và các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã phục hồi, liên kết thành lực lượng đối trọng, biến Afghanistan thành chiến trường với thế giằng co. Biết không thể giành thế thắng tuyệt đối, Mỹ quay sang đàm phán với Taliban tìm kiếm một giải pháp hòa bình để “người Afghanistan tự giải quyết vấn đề với nhau”.

Mối lo ngại lớn nhất hiện nay là Taliban luôn gây ra các vụ tấn công ở nhiều địa phương, thậm chí có thể chiếm đóng thủ đô Kabul khi không còn sự hiện diện của Mỹ và đồng minh. Mới đây, Taliban khẳng định đã kiểm soát 80/420 quận, huyện trên toàn quốc và đã có hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan bỏ trốn sang nước láng giềng Tajikistan. Mối lo thứ hai là an ninh của các nhà ngoại giao phương Tây tại quốc gia Nam Á này, cũng như số phận của hàng ngàn người Afghanistan từng cộng tác với liên quân quốc tế.

Tại cuộc gặp Tổng thống Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Dân tộc Tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah ở Nhà Trắng hôm 25-6 vừa qua, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Những người Afghanistan sẽ phải quyết định tương lai của chính họ, những gì mà họ mong muốn… Bạo lực mù quáng phải chấm dứt”. Đồng thời, ông khẳng định: “Afghanistan không rơi trở lại vào tay các nhóm khủng bố”.

Tuy nhiên, một thực tế là 20 năm qua, Mỹ và đồng minh vẫn chưa kiến tạo cho Afghanistan nền hòa bình bền vững. Vậy “khoảng trống quyền lực” mà Mỹ và các đồng minh đảm trách lâu nay có được lấp đầy, hay là lỗ hổng lớn để Taliban cùng Al-Qaeda và IS thế chân?

Hai là “vị đắng của chiến tranh”. Sau 20 năm, riêng Mỹ có hơn 4.200 công dân, bao gồm các quân nhân và thường dân cộng tác với quân đội Mỹ đã thiệt mạng ở Afghanistan. Nhìn rộng ra hơn, cuộc chiến tranh tại quốc gia Nam Á này là một thảm họa nhân đạo: 165.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời chỗ ở và hàng chục ngàn người bỏ xứ.

Ngoài ra, mỗi năm nước Mỹ chi 45 tỷ USD; trong đó có 13 tỷ USD cho chi phí vận hành của quân đội Mỹ, 5 tỷ USD để đào tạo binh sĩ Afghanistan. Đó là chưa kể chi phí của các đồng minh cũng như chi phí khi Mỹ phát động chiến tranh và giải quyết hậu quả cho quân nhân Mỹ…

Có thể nói, trong lịch sử quân sự quốc tế đương đại, Afghanistan là biểu tượng của sự thất bại. Có lúc Mỹ đã điều 100.000 quân tới vùng đất xa xôi này và cùng với hàng chục ngàn binh lính trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà vẫn không tiêu diệt được Taliban và các phần tử khủng bố quốc tế. Về mục tiêu xóa sổ sào huyệt khủng bố đe dọa an ninh Mỹ tại Afghanistan, giới phân tích ghi nhận “Pakistan đã thay thế Afghansitan” để trở thành địa bàn hoạt động của các tổ chức khủng bố.

Các nhà quan sát cho rằng, về mặt chính trị, Afghanistan là một thất bại kép của Mỹ. Một là, thất bại với công luận trong lòng nước Mỹ khi họ bất bình về việc số quân nhân thiệt mạng tăng dần. Nhưng thất bại thứ hai còn đau đớn hơn, khi Taliban nay trở thành một lực lượng trên bàn cờ chính trị Afghanistan.
Vậy là “khoảng trống quyền lực” và “vị đắng của chiến tranh” mà Mỹ và các đồng minh tạo ra sẽ không tan biến nhanh một sớm một chiều.

Riêng đất nước Afghanistan sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy mới khi chính quyền Kabul và lực lượng Taliban tiếp tục đối đầu xung đột để tranh giành quyền lực.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.