Sống chung với dịch

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 chỉ mới bắt đầu và các nước vội vàng mở cửa trở lại có thể phải trả giá đắt. Trong khi đó, một số nước đang chuyển sang chiến lược “Sống chung với dịch”.

Chính phủ Anh có kế hoạch bỏ quy định đeo khẩu trang. Ảnh: PA/Getty Images
Chính phủ Anh có kế hoạch bỏ quy định đeo khẩu trang. Ảnh: PA/Getty Images

Hãng tin Al Jazeera cho biết, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5-7, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, TS. Mike Ryan, cho rằng làn sóng mới của dịch bệnh có thể bùng phát và với hầu hết các nơi trên thế giới, đại dịch chỉ mới bắt đầu. “Tất cả các nước ở châu Mỹ, chúng ta vẫn có gần 1 triệu ca nhiễm mới mỗi tuần. Ở châu Âu cũng vậy, có nửa triệu ca một tuần… Dịch bệnh chưa kết thúc”, ông Ryan nói.

WHO cũng cảnh báo các chính phủ không nên nới lỏng các quy định phòng, chống dịch quá sớm và nếu vội vàng đưa cuộc sống trở lại bình thường thì có thể phải trả giá đắt. Tuần trước, Giám đốc WHO ở châu Phi, TS. Matshidiso Moeti nhận định, “lục địa đen” đối mặt với “tốc độ và quy mô” của làn sóng dịch thứ ba chưa từng có.

Trong số các nước nới lỏng các quy định hạn chế có Vương quốc Anh. Hãng tin AP cho hay, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xác nhận điều này vào ngày 6-7. Ông cho biết, từ ngày 19-7, nước Anh chuyển sang giai đoạn cuối cùng của lộ trình dỡ bỏ phong tỏa, các biện pháp hạn chế bắt buộc sẽ được thay thế bằng “trách nhiệm cá nhân”.

Theo đó, quy định đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội sẽ được hủy bỏ, nhưng biện pháp này vẫn được khuyến khích trong một số không gian kín như giao thông công cộng. Nhà lãnh đạo Anh nói thêm, sẽ thực hiện kế hoạch nói trên ngay cả khi ông biết rằng việc dỡ bỏ các quy định hạn chế có thể khiến số ca nhiễm tăng cao hơn. Ông Johnson sẽ có quyết định cuối cùng về vấn đề này vào ngày 12-7.

Nước Anh hiện có hơn 4,9 triệu ca nhiễm và 128.200 ca tử vong - số ca tử vong cao thứ hai ở châu Âu, sau Nga. Số ca nhiễm mới đang gia tăng do biến thể Delta. Hồi đầu năm nay, các nhà chức trách Anh ghi nhận khoảng 2.000 ca nhiễm mới/ngày; nhưng chỉ trong tuần qua, con số này lên đến 25.000 ca/ngày, số trường hợp tử vong dưới 20 ca/ngày.

Theo AP, hiện 86% số người trưởng thành ở Anh đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19 và 64% được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ muốn tất cả những người trên 18 tuổi phải được tiêm vắc-xin từ nay đến giữa tháng 9 để “học cách sống chung với virus” - như lời kêu gọi của Thủ tướng Johnson. Trước đây, người đứng đầu chính phủ Anh nói rằng “Covid-19 là kẻ thù cần phải tiêu diệt”, nhưng nay ông lựa chọn giải pháp “sống chung với virus”.

Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Johnson nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đại dịch còn lâu mới kết thúc”. Nhà lãnh đạo này còn dự đoán số ca nhiễm ở Anh có thể lên đến 50.000 ca/ngày trước thời điểm ngày 19-7. Song, ông cho rằng không thể không mở cửa trở lại trong một vài tuần tới.

Trong khi đó, tại Úc, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg ngày 6-7 kêu gọi chính phủ và người dân cần làm quen với việc “sống chung với dịch” bởi không thể loại trừ hoàn toàn virus gây bệnh. Ông Frydenberg cho rằng, Úc cần chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát số ca nhiễm sang việc sống chung với virus, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để giảm thiểu mối đe dọa.

Hiện Úc chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc mở cửa trở lại biên giới để đưa đất nước trở lại bình thường. Theo Reuters, Úc đã tiêm 8,25 triệu liều vắc-xin trên cả nước, với khoảng 17,5% tổng số người dân được tiêm liều đầu tiên và 7,2% dân số được tiêm đủ hai liều.

Hồi tháng 6, chính phủ Singapore cũng đặt ra lộ trình chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện song song với các mục tiêu tiêm chủng.

Tính đến ngày 6-7, thế giới có hơn 185 triệu ca nhiễm và 4 triệu ca tử vong do Covid-19.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.