Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

.

CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều thử tên lửa đạn đạo vào ngày 15-9, khiến căng thẳng trong khu vực thêm leo thang.

Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) ngày 15-9, phía Hàn Quốc khẳng định sẽ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình. Ảnh: Reuters
Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) ngày 15-9, phía Hàn Quốc khẳng định sẽ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình. Ảnh: Reuters

Chỉ vài ngày sau khi thử thành công tên lửa hành trình tầm xa chiến lược mới, Triều Tiên lại phóng 2 tên lửa đạn đạo vào ngày 15-9. Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay, các tên lửa bay xa tối đa 800km, ở độ cao khoảng 60km và dường như đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Bước tiến trong công nghệ vũ khí

Giới chức an ninh Hàn Quốc và Nhật Bản lập tức họp khẩn, đồng thời tham vấn đồng minh Mỹ. Các chuyên gia nhận định, tên lửa đạn đạo vừa được Triều Tiên phóng là vũ khí đầu tiên của nước này có thể gắn đầu đạn hạt nhân, đánh dấu bước tiến trong công nghệ vũ khí của Bình Nhưỡng.

Chỉ vài giờ sau, Hàn Quốc bắn một quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Theo Yonhap, tên lửa được phóng thành công từ tàu ngầm 3.000 tấn Dosan Ahn Chang-ho với sự giám sát của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tuyên bố của Nhà Xanh nhấn mạnh: Với vụ phóng này, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có SLBM bản địa, đồng thời cho rằng đây là vũ khí giúp Seoul ngăn chặn “các mối đe dọa bên ngoài”.

Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 5 vụ phóng các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia cho rằng, động thái của Triều Tiên lần này là một nỗ lực gây sức ép để Mỹ gỡ bỏ trừng phạt trong lúc đàm phán Mỹ - Triều vẫn bế tắc. Trong lúc đó, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in, vốn đang tích cực theo đuổi tiến trình hòa giải với Bình Nhưỡng, có thể muốn có hành động cứng rắn hơn nhằm đáp lại những chỉ trích rằng Seoul đã quá mềm mỏng trong cách tiếp cận với nước láng giềng miền Bắc. Vụ thử tên lửa của Seoul được cho là có thể làm Bình Nhưỡng tức giận. Từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đến nay, cả hai nước vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chỉ trích các vụ phóng “đe dọa hòa bình và sự an toàn của Nhật Bản cũng như của khu vực”. Song, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định vụ phóng 2 tên lửa của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa tức thời cho Washington và các đồng minh.

Chờ những nỗ lực ngoại giao

Các vụ việc diễn ra trong lúc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-in chuẩn bị đến New York (Mỹ) để dự cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Thông thường Triều Tiên không tiến hành các vụ phóng tên lửa khi Trung Quốc - đồng minh chính và là nước bảo trợ lớn nhất của Bình Nhưỡng - đang tham gia một sự kiện ngoại giao quan trọng ở khu vực. Vì vậy, theo một số chuyên gia, Triều Tiên đã hành động như thế nhằm thu hút sự chú ý.

Theo AP, cộng đồng quốc tế muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, đàm phán Mỹ - Triều bế tắc từ năm 2019 đến nay khi chính phủ của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã từ chối yêu cầu của Triều Tiên về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân cũ kỹ.

Còn Hàn Quốc tuy không có vũ khí hạt nhân nhưng được “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ bảo vệ. Seoul đang nỗ lực chế tạo các vũ khí thông thường, bao gồm cả việc phát triển những tên lửa mạnh hơn. Theo Reuters, trong buổi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 15-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định sẽ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình. “Chúng tôi hy vọng sự ủng hộ vững chắc của Trung Quốc và ngài ngoại trưởng sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ chúng tôi nhằm phát triển mối quan hệ song phương cũng như việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, Tổng thống Moon Jae-in nói.

Trong cuộc họp ngày 14-9, các quan sát ngoại giao cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng kêu gọi Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, đến nay, Triều Tiên chưa đáp lại các lời mời đối thoại. Bán đảo Triều Tiên một lần nữa nóng trở lại và phải chờ những nỗ lực ngoại giao.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.