Chờ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung

.

Cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15-11 có thể tạo nền tảng để hai nước xử lý các bất đồng, chuyển một số lĩnh vực từ đối đầu sang hợp tác.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là không nhằm tìm kiếm những cam kết cụ thể. Trong ảnh: Hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại Bắc Kinh năm 2013, thời điểm ông Biden làm Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: CSMP
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là không nhằm tìm kiếm những cam kết cụ thể. TRONG ẢNH: Hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại Bắc Kinh năm 2013, thời điểm ông Biden làm Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: CSMP

Một vài năm trở lại đây, mối quan hệ Mỹ - Trung diễn biến phức tạp trên một loạt vấn đề, từ an ninh, kinh tế, đến chính trị. Hai cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 2 và tháng 9 vẫn không giúp quan hệ hai nước tốt đẹp hơn. Vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến lần này không được kỳ vọng tạo sự đột phá để làm “tan băng”, nhưng vẫn có thể “thiết lập quan hệ theo chiều hướng xây dựng hơn”, như một quan chức cấp cao Mỹ đã nhận định, theo thông tin từ AP.

Trong một tuyên bố hôm 12-11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “những giải pháp để kiểm soát sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm giữa hai nước, cũng như các cách thức phối hợp trong các vấn đề hai bên cùng chia sẻ lợi ích chung”. Bà Psaki nói thêm: “Tổng thống Biden sẽ nêu rõ các ý định và ưu tiên của Mỹ, đồng thời đề cập rõ ràng và thẳng thắn về các mối quan tâm của chúng tôi đối với Trung Quốc”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng nói rằng, cuộc gặp thượng đỉnh không nhằm tìm kiếm những cam kết cụ thể, mà chỉ là “một phần trong những nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm quản lý sự cạnh tranh giữa hai quốc gia một cách có trách nhiệm”.

Theo AFP, khi ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ, ông Biden trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ ông Tập Cận Bình. Tổng thống Biden cũng đã hy vọng có thể gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh khối các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tại Rome (Ý) mới đây, nhưng ông Tập Cận Bình không tham dự trực tiếp sự kiện này.

Chính phủ của Tổng thống Biden xem Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và đang triển khai những chính sách để cạnh tranh tốt hơn với Bắc Kinh. Song, trong năm đầu tiên cầm quyền, ông Biden ưu tiên xử lý những vấn đề trong nước như đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, hàn gắn mối quan hệ với các đối tác/liên minh bị rạn nứt dưới thời chính phủ tiền nhiệm Donald Trump…

Về phía Trung Quốc, dù muốn thiết lập trạng thái ổn định quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay nhưng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh dường như chưa có động thái để đưa quan hệ song phương phát triển tích cực hơn. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tuần qua, ông Tập Cận Bình nói: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không thể và không nên tái diễn sự đối đầu và chia rẽ của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.

Ngày 13-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã trao đổi qua điện thoại để chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh. Báo The Guardian dẫn lời giới quan sát nhận định: Cuộc gặp được mong đợi giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình có thể giúp lấp khoảng trống liên lạc và đặt nền móng cho mối quan hệ song phương, giải quyết tranh chấp thương mại, mở ra triển vọng hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, phi hạt nhân hóa…

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.