Quốc tế
Covid-19 tới 6 giờ sáng 2-3: Ca nhiễm ở Mỹ có thể tới 140 triệu; rất khó tái nhiễm "Omicron tàng hình"
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,14 triệu ca mắc Covid-19 và 5.502 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 438 triệu ca, trong đó trên 5,98 triệu ca tử vong. Ca nhiễm tại Mỹ theo ước tính mới của CDC lên tới 140 triệu, thay vì 80 triệu ca như thống kê.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 1-3-2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN |
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 2-3 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 438.298.643 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.981.400 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.148598 và 5.502 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 370.482.219 người, 61.835.024 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 74.496 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 150.565 ca; Hàn Quốc đứng thứ hai với 138.993 ca; tiếp theo là Nga (97.333 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 786 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (765 ca) và Indonesia (325 ca).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.667.381 người, trong đó có 976.204 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.938.164 ca nhiễm, bao gồm 514.109 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 28.811.165 ca bệnh và 649.630 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 156.7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 117 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 94,94 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 54,31 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,53 triệu ca và châu Đại Dương gần 3,59 triệu ca nhiễm.
CDC: Khoảng 140 triệu người Mỹ đã mắc Covid-19
Ngày 1-3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố nghiên cứu cho biết, ước tính có khoảng 140 triệu người dân nước này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến cuối tháng 1-2022, cao hơn rất nhiều so với dữ liệu của Worldometer là trên 80 triệu.
Nghiên cứu của CDC cho thấy tỷ lệ cá nhân có kháng thể với Covid-19, được gọi là tỷ lệ huyết thanh, là 43,3% đối với tổng dân số Mỹ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhiễm bệnh được báo cáo thường xuyên. Dữ liệu cho nghiên cứu được thu thập từ cuối tháng 12-2021 đến cuối tháng 1-2022 và dựa trên các thử nghiệm của gần 72.000 mẫu.
Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ những người có kháng thể với virus thấp hơn ở các nhóm tuổi lớn hơn, với trẻ em có tỷ lệ tương đồng huyết thanh khoảng 58% so với 23% ở những người trên 65 tuổi.
Người dân trên phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nghiên cứu của CDC được tiến hành kể từ tháng 8-2020, với 28 vòng dữ liệu khác đã được công bố cho đến nay. Theo dữ liệu gần đây nhất, khoảng 21 tiểu bang có tỷ lệ huyết thanh mắc bệnh ước tính vào khoảng 50%, trong đó bao gồm Georgia, Michigan, New Jersey, Oklahoma và Tennessee.
Nghiên cứu: Nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron là rất thấp
Do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, các nhà khoa học và người dân đều đang băn khoăn về nguy cơ tái nhiễm biến thể này. Theo tạp chí Newsweek, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn gọi là "Omicron tàng hình" đã được phát hiện tại tất cả 50 bang của nước Mỹ và đây cũng là biến thể đang khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại.
Các nghiên cứu cho thấy biến thể phụ BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 30% so với biến thể gốc BA.1. Như vậy, liệu con người có nguy cơ tái nhiễm BA.2 cao hơn so với BA.1 hay không? Tiến sĩ Suneet Singh, Giám đốc công ty CareHive Health (Mỹ), gần đây đã đề cập về khả năng tái nhiễm biến thể Omicron thấp trong cùng tháng với lần lây nhiễm đầu tiên. Theo Tiến sĩ Singh, phản ứng miễn dịch trong quá trình phục hồi là rất mạnh và giúp bảo vệ con người cực tốt trong những ngày đầu tiên sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ rất nhỏ các bệnh nhân bị tái nhiễm sớm tương tự như các căn bệnh hô hấp khác.
Về nguy cơ tái nhiễm biến thể phụ BA.2, trong nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 1,8 triệu ca mắc Covid-19. Trong giai đoạn từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2022, đã có 187 trường hợp tái nhiễm được phát hiện trong vòng 20-60 ngày sau lần lây nhiễm đầu tiên. Trong số này, biến thể phụ BA.2 chiếm 47 trường hợp sau lần lây nhiễm biến thể gốc BA.1 lần đầu tiên. Phát hiện này cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể phụ BA.2 sau khi nhiễm biến thể gốc Omicron là rất nhỏ.
Mặc dù mọi người đều có nguy cơ nhiễm biến thể Omicron nhiều hơn một lần, các nhà khoa học cho rằng các ca tái nhiễm nhiều khả năng liên quan đến biến thể phụ BA.2 hơn là biến thể gốc BA.1. Bên cạnh đó, tải lượng virus trong các ca tái nhiễm biến thể BA.2 thường thấp hơn những ca lần đầu nhiễm biến thể gốc BA.1.
Nữ hoàng Anh bình phục sau khi mắc Covid-19
Ngày 1-3, Cung điện Hoàng gia Anh thông báo Nữ hoàng Elizabeth II, 95 tuổi, đang trong tình trạng sức khỏe tốt và có thể tổ chức 2 buổi tiếp đón khách trực tuyến, sau hơn một tuần có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Theo đó, Nữ hoàng Anh đã tổ chức buổi tiếp đón các đại sứ đến từ Andorra – quốc gia Tây Âu nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha, và CH Chad ở Trung Phi. Tuần trước, bà đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Nữ hoàng Elizabeth II đã bình phục sau nhiễm Covid-19. Ảnh: Vanity Fair |
Ngày 20-2 vừa qua, Cung điện Hoàng gia Anh cho biết Nữ hoàng Elizabeth II có kết quả xét nghiệm dương tính và có những triệu chứng nhẹ. Nữ hoàng Elizabeth II đã hoàn thành liều cơ bản vaccine phòng Covid-19. Trước đó, ngày 10-2, Thái tử Charles, là con trai cả và cũng là người thừa kế của Nữ hoàng Anh, cũng đã được xác nhận mắc Covid-19. Ông nhận kết quả dương tính chỉ hai ngày sau khi tới thăm Nữ hoàng tại lâu đài Windsor.
Thủ tướng Australia mắc Covid-19
Cùng ngày 1-3, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với Covid-19 và có các triệu chứng giống như cảm cúm. Ông cho biết đang thực hiện cách ly tại nhà riêng ở Sydney và sẽ tiếp tục đảm nhiệm tất cả các công việc trên cương vị Thủ tướng.
Phu nhân và các con của Thủ tướng Morrison có kết quả xét nghiệm âm tính và sẽ tự cách ly tại nhà trong 7 ngày.
Israel dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch
Kể từ ngày 1-3, Israel đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp xã hội trong phòng chống dịch Covid-19, bao gồm việc nới lỏng quy định đối với du khách nhập cảnh và quy định xét nghiệm đối với học sinh.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, du khách nước ngoài khi nhập cảnh sẽ chỉ cần thực hiện hai xét nghiệm PCR, trước khi lên máy bay và sau khi xuống sân bay tại Israel. Với công dân Israel sẽ chỉ cần làm một xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh, còn người xuất cảnh và quay lại sẽ không cần làm xét nghiệm kháng nguyên như trước. Ngoài ra, chính phủ cũng bãi bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với những người chưa tiêm phòng trở về từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 10-3, học sinh tiểu học trở xuống sẽ không phải làm xét nghiệm thường xuyên 2 lần/tuần như hiện nay. Trước đó, từ ngày 24-2 quy định này đã được bãi bỏ đối với học sinh trung học.
Hồi tháng trước, Israel đã bãi bỏ nhiều quy định khác về giãn cách xã hội, bao gồm Thẻ Xanh (giấy chứng nhận miễn dịch) và quy định về số lượng người tối đa trong các tụ điểm công cộng, trừ một số tụ điểm có nguy cơ cao.
Quy định phổ biến nhất vẫn được duy trì là việc đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín.
Hàn Quốc: Ca mắc mới lại lập kỷ lục
Ngày 1-3, số ca mắc Covid-19 mới theo ngày của Hàn Quốc đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là trên 176.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh trên cả nước.
Theo số liệu của giới chức y tế Hàn Quốc và chính quyền địa phương, tính đến 18 giờ ngày 1-3, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm tổng cộng 176.786 ca nhiễm so với một ngày trước, và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, Hàn Quốc đã ghi nhận mức cao nhất theo ngày là 171.442 ca vào ngày 23-2 vừa qua. Số ca nhiễm trong ngày 1-3 dự kiến sẽ còn tăng tiếp, do Hàn Quốc sẽ tiếp tục thống kê đến đêm cùng ngày và công bố vào sáng hôm sau.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 24-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Chính phủ Hàn Quốc dự báo làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 3 với khoảng 250.000 ca nhiễm/ngày khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan trên cả nước.
Hong Kong (Trung Quốc): Số ca nhiễm mới giảm nhẹ
Ngày 1-3, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết trong 24 giờ qua, thành phố này đã ghi nhận 32.597 ca mắc mới và 117 ca tử vong do Covid-19.
Trước đó, Hong Kong đã chứng kiến số ca mắc mới Covid-19 gia tăng đột biến, tăng 34 lần lên hơn 34.000 ca trong ngày 28-2. Số ca tử vong do dịch bệnh tại Hong Kong cũng gia tăng đáng kể.
Trước tình hình này, chính quyền Hong Kong không loại trừ khả năng thực thi “lệnh cấm ra khỏi nhà” trong thời gian thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với toàn bộ 7,4 triệu dân sống tại đây, với tần suất mỗi người xét nghiệm 3 lần trong vòng 9 ngày. Người dân được khuyến nghị ở trong nhà trong suốt khoảng thời gian này, ngoại trừ những người cần mua thực phẩm, khám chữa bệnh và làm các công việc duy trì hoạt động của xã hội.
Malaysia nới lỏng một số quy định nhập cảnh từ ngày 3-3
Ngày 28-2, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin thông báo, kể từ ngày 3-3, khách du lịch thuộc chương trình Làn đi lại cho những người đã tiêm chủng (VLT), Trung tâm Một cửa (OSC) và những người đến từ Vương quốc Anh sẽ không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trong vòng 1 tuần khi đến Malaysia. Trong khi đó, những du khách thuộc chương trình Bong bóng Du lịch Quốc tế Langkawi (LITB) không cần phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc RTK-Ag trước khi rời hòn đảo này.
Theo ông Khairy, các yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid-19 bị hủy bỏ, bao gồm việc tự xét nghiệm vào các ngày thứ 2, 4, 6 và xét nghiệm RTK-Ag vào các ngày thứ 3 và 5. Đối với những du khách đến từ Vương quốc Anh, việc tự xét nghiệm hằng ngày trong suốt thời gian cách ly cũng sẽ được dỡ bỏ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 25-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết yêu cầu về xét nghiệm PCR 2 ngày trước khi khởi hành và ngay khi đến Malaysia vẫn bắt buộc phải có.
Nhật Bản nới lỏng kiểm soát nhập cảnh với người nước ngoài
Ngày 1-3, Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới phòng chống dịch Covid-19 với việc tăng số lượng người nhập cảnh từ 3.500 lên 5.000 người mỗi ngày, bao gồm cả công dân nước ngoài đến Nhật Bản không vì mục đích du lịch.
Ngoài ra, các biện pháp cách ly cũng được nới lỏng với những người nhập cảnh, kể cả công dân Nhật Bản và người nước ngoài. Thậm chí trong một số trường hợp, có thể được miễn quy định này. Cụ thể, những người nhập cảnh vào Nhật Bản giờ đây sẽ được yêu cầu cách ly 3 ngày và xét nghiệm âm tính với Covid-19 vào ngày cách ly cuối cùng. Du khách nước ngoài đã tiêm 3 liều vaccine và đến từ những nước dịch bệnh được kiểm soát sẽ được miễn cách ly.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết sinh viên nước ngoài và thực tập sinh kĩ thuật theo các chương trình đào tạo đã phải chờ đợi rất lâu để nhập cảnh vào Nhật Bản. Ông cũng cho biết tùy vào tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản và các nước cũng như nhu cầu của công dân Nhật Bản ở nước ngoài muốn về nước, chính phủ sẽ xem xét tăng số lượng người được nhập cảnh mỗi ngày.
Trẻ em ít nguy cơ biến chứng sau nhiễm Covid-19 hơn người lớn
Nguy cơ biến chứng sau khi nhiễm Covid-19 ở trẻ em ít hơn nhiều so với người trưởng thành. Đây kết luận được một chuyên gia y tế hàng đầu của Anh đưa ra ngày 28-2 khi công bố một nghiên cứu và tổng hợp do nhiều cơ quan y tế của Anh thực hiện, trong đó có Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS).
Ông Shamez Ladhani, một bác sĩ nhi tại Cơ quan An toàn y tế Anh, cho biết thấy tỷ lệ trẻ em có nguy cơ biến chứng do Covid-19 thấp hơn nhiều so với người lớn. Phần lớn trẻ em cấp tiểu học và trung học tại Anh được khảo sát kể từ tháng 3/2020 đều không có triệu chứng của hội chứng "COVID kéo dài".
Chuyên gia nhi khoa này cũng cho rằng việc dạy học trực tiếp tại trường học góp phần hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Theo ông, kết quả nghiên cứu mới này sẽ làm an tâm các bậc cha mẹ, các bác sĩ lâm sàng và các nhà hoạch định chính sách.
Trong khi đó, ông Patrick Nguipdop Djomo, nhà khoa học tại Đại học Y khoa nhiệt đới và vệ sinh London (LSHTM) cùng tham nghiên cứu trên, nhấn mạnh dữ liệu này cung cấp thông tin quan trọng về tác động trực tiếp và gián tiếp có thể có của Covid-19 đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Vaccine ngừa Covid-19 không ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công khi thụ tinh ống nghiệm
Kể từ khi vaccine mRNA ngừa Covid-19 ra đời, nhiều phụ nữ vô sinh, hiếm muộn trên khắp thế giới lo ngại vaccine này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tuy nhiên, thêm một nghiên cứu mới được công bố cho thấy tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm không khác biệt ở nhóm người được tiêm vaccine và chưa được tiêm vaccine.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm y khoa Sheba (Israel) được công bố trên tạp chí y khoa Fertility and Sterility khẳng định vaccine mRNA ngừa Covid-19 không ảnh hưởng tiêu cực đến việc chuyển phôi đông lạnh, một quy trình quan trọng của thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 672 ca chuyển phôi trong số 428 phụ nữ được IVF, trong đó 141 người đã được tiêm 2 liều vaccine mRNA ngừa Covid-19 hoặc đã phục hồi sau khi mắc bệnh này.
Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện không có sự khác biệt về tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công giữa nhóm đã được tiêm vaccine và chưa được tiêm vaccine trong cuộc thử nghiệm. Giáo sư Raoul Orvieto, Giám đốc Viện nghiên cứu về Vô sinh và IVF thuộc Sheba, kết luận nghiên cứu mang tính đột phá này cho thấy vaccine mRNA ngừa Covid-19 không ảnh hưởng tỷ lệ thụ tinh thành công bằng phương pháp chuyển phôi đông lạnh khi thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo Báo Tin tức