Quốc tế
"Ủy nhiệm" - phiên bản 2 của cuộc xung đột?
Ngày 24-2, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine với mục tiêu là phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự, tiêu diệt lực lượng “tân phát xít”, ngăn không cho Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), buộc nước này thành quốc gia trung lập.
Ngày 19-4, Nga chính thức chuyển sang giai đoạn hai của cuộc xung đột với Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rõ, mục tiêu của giai đoạn hai là “giải phóng có hệ thống Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk”.
Để thực hiện mục tiêu này, Nga thu quân đang bao vây từ khu vực miền Bắc và miền Trung để dồn về miền Đông của Ukraine; đồng thời quyết đánh chiếm những thành phố, vùng đất quan trọng như Mariupol để Nga có thể nối liền tuyến hành lang bộ từ bán đảo Crimea tới vùng Donbass. Hiện nay, Nga tập trung binh lực và bắt đầu khởi sự các cuộc tấn công được dự báo là “khốc liệt” ở miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine được sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây cũng đã tập trung chuyển sang trạng thái đối đầu mới.
Ở giai đoạn một, Mỹ và các đồng minh ủng hộ Ukraine như: cổ vũ tinh thần chống Nga; thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế - tài chính nhằm vào Nga; cung cấp cho Kiev các phương tiện chiến tranh mang tính phòng thủ…, thì nay đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ.
Một là, hỗ trợ tài chính - kinh tế cho Ukraine ở mức chưa từng có. Thông qua các tổ chức tài chính quốc tế mà Mỹ và các đồng minh chi phối để cấp cho Ukraine nhiều gói tài chính lên gần trăm tỷ USD để nền kinh tế nước này đứng vững trong cuộc xung đột; đồng thời, viện trợ nhiều tỷ USD để Ukraine khôi phục những khu vực bị tàn phá do các cuộc xung đột mới đây.
Hai là, viện trợ vũ khí tấn công ồ ạt. Nắm được mục tiêu giai đoạn hai chiến dịch của Nga là ở Donbass, Mỹ và các đồng minh đang nhanh chóng “biến Ukraine thành quốc gia đối đầu ủy nhiệm” để chống Nga, quyết làm Moscow suy yếu về kinh tế, thất bại về quân sự và không còn là mối đe dọa của NATO.
Vì thế, nhiều nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao của Mỹ và NATO đã đến Kiev để khẳng định sự ủng hộ “đến cùng”, đồng thời nắm bắt nhu cầu các phương tiện chiến tranh nhằm cung cấp một cách nhanh chóng nhất, nhiều nhất có thể. Lầu Năm Góc đã gia tăng tốc độ vận chuyển nhanh tới Ukraine vũ khí hạng nặng trị giá hơn 1 tỷ USD và các khoản viện trợ khác cho Kiev bằng đường biển, đường hàng không. Ngày 21-4, Tổng thống Joe Biden phê duyệt gói vũ khí mới trị giá 800 triệu USD, bao gồm 72 pháo cỡ nòng 155 ly. Chỉ 2 ngày sau, những khẩu lựu pháo đó xuất hiện tại Ukraine.
Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp cho Ukraine đủ pháo để trang bị cho 5 tiểu đoàn phục vụ chiến trường Donbass. Quân đội Mỹ cũng bắt đầu huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng các thiết bị vũ khí mới ở bên ngoài lãnh thổ nước này. Như vậy, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine gần 4 tỷ USD, chủ yếu là vũ khí tấn công hạng nặng như tên lửa và đang tính toán tiếp tục gia tăng viện trợ.
Đức, Ba Lan, Anh, Pháp… cũng ồ ạt viện trợ nhiều tỷ USD vũ khí tấn công cho Ukraine.
Đánh giá về động thái nói trên của Mỹ và NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cáo buộc phương Tây đang “đổ thêm dầu vào lửa” và không muốn chiến sự kết thúc sớm khi liên tục bơm vũ khí cho Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, mặc dù NATO phủ nhận liên minh này là một phần của cuộc xung đột tại Ukraine nhưng thực tế, NATO đang chiến tranh với Nga qua việc sử dụng Ukraine làm “lực lượng ủy nhiệm”. Bà Maria Zakharova nhấn mạnh: “Để kiềm chế Nga, NATO đang tăng cường lực lượng ở sườn Đông cũng như tiếp tục lôi kéo Georgia, Phần Lan và Thụy Điển cùng các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương vào phạm vi ảnh hưởng của mình”.
Diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy, kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, NATO luôn xem Nga là mối đe dọa an ninh số một; riêng Mỹ coi Nga là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” hàng đầu. Mỹ và phương Tây luôn muốn dập tắt những hy vọng của Nga trong việc phục hồi vị thế cường quốc toàn cầu của Liên Xô như trước đây thông qua quá trình “Đông tiến” của NATO.
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm giữa đối đầu và hòa hoãn, tuy khác nhau về mức độ nhưng bản chất vẫn là cạnh tranh chiến lược và đối kháng lợi ích; sự mở rộng ảnh hưởng của bên này, trong cách tiếp cận của bên còn lại, sẽ thu hẹp lợi ích của bên kia.
Vì thế, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và phương Tây coi đó là “cơ hội vàng” để làm Nga suy yếu về mọi mặt. Mỹ và NATO biến Kiev thành chiến trường “ủy nhiệm” lâu dài vừa để tiêu thụ lượng vũ khí dư thừa, cũ kỹ; vừa thúc đẩy các tập đoàn sản xuất vũ khí gia tăng nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí mới; vừa đánh giá tiềm năng, sức mạnh và lỗ hổng của Nga trên chiến trường; quảng bá “mối đe dọa Nga” nhằm kết nạp thêm các thành viên mới vào NATO.
Chẳng thế mà Nga và một số lãnh đạo các nước đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Thế chiến thứ ba có thể xảy khi “chiến trường ủy nhiệm Ukraine” vượt tầm kiểm soát.
TUYẾT MINH