Quốc tế
Covid-19 sáng 18-5: Lo ngại nhiều biến thể mới ở Triều Tiên; Dự báo dịch kéo dài ít nhất 5 năm nữa
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 785.000 ca mắc và 1.347 ca tử vong. WHO lo ngại nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới ở Triều Tiên, trong khi giới chuyên gia dự báo 3 kịch bản diễn biến của đại dịch.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 tại nhà ăn của một nhà máy ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 16-5-2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 18-5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 523.698.150 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 6.292.140 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 785.910 và 1.347 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 493.608.979 người, 23.797.031 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 38.850 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 82.591 ca; Australia đứng thứ hai với 67.650 ca; tiếp theo là Pháp (43.727 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 167 người chết trong ngày; tiếp theo là Đức với 176 ca và Brazil 160 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.402.969 người, trong đó có 1.027.066 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.127.032 ca nhiễm, bao gồm 524.260 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.728.286 ca bệnh và 665.216 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 194,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 151,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99,8 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,2 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12 triệu ca và châu Đại Dương trên 8 triệu ca nhiễm.
WHO lo ngại xuất hiện nhiều biến thể mới ở Triều Tiên
Ngày 17-5, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Michael Ryan, cho rằng cấp độ lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2 ở những người chưa được tiêm chủng, như tại Triều Tiên, tạo ra nguy cơ xuất hiện những biến thể mới cao hơn.
Triều Tiên, một thành viên của WHO, đang vật lộn với đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên mà nước này thừa nhận, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lớn do thiếu vaccine và cơ sở hạ tầng y tế còn hạn chế.
Trả lời câu hỏi về đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Triều Tiên, ông Mike Ryan nói: "Chắc chắn là đáng lo ngại nếu các quốc gia ... không tận dụng các công cụ sẵn có. WHO đã nhiều lần nói rằng nếu các bạn không kiểm soát được sự lây lan thì nguy cơ xuất hiện các biến thể mới luôn cao hơn".
Cũng trong cuộc họp báo này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết ông "quan ngại sâu sắc" về việc virus lây lan trong cộng đồng dân cư chưa được tiêm chủng. WHO trước đó cho biết Triều Tiên vẫn chưa thông báo chính thức về đợt bùng phát dịch Covid-19 tại nước này trong một hành động rõ ràng vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của Bình Nhưỡng theo Quy định Y tế Quốc tế của WHO.
Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16-5 đưa tin các cơ quan phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp ở tất cả các cấp ở nước này đã tập trung nỗ lực ngăn chặn và loại bỏ nguồn lây lan của dịch bệnh, theo đúng các quyết định được đưa ra tại cuộc họp lần thứ 8 của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VIII.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ chính trị về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tại Bình Nhưỡng, ngày 15-5-2022. Ảnh: Yonhap/TTXV |
Theo KCNA, tất cả các cơ quan phòng, chống dịch khẩn cấp ở thủ đô Bình Nhưỡng, trong đó có quận Mangyongdae, đã thực hiện đúng công tác đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh suôn sẻ trong bối cảnh các khu vực liên quan phong tỏa đồng thời các đơn vị công tác, sản xuất và dân cư đóng cửa, không tiếp xúc với nhau.
Cũng theo KCNA, trong 24 giờ tính từ 18h00 ngày 15-5 đến 18h00 ngày 16-5 theo giờ địa phương, tại Triều Tiên có hơn 269.510 trường hợp bị sốt, khoảng 170.460 người bình phục và 6 trường hợp tử vong. Kể từ cuối tháng 4 đến 18h00 ngày 16-5, Triều Tiên ghi nhận hơn 1.483.060 trường hợp bị sốt, trong đó hơn 819.090 trường hợp đã bình phục và ít nhất 663.910 trường hợp vẫn đang phải điều trị. Số trường hợp tử vong là 56 người.
3 kịch bản của đại dịch Covid-19 tới năm 2027
Đại dịch Covid-19 hiện vẫn chưa kết thúc và giới chuyên gia y tế dự báo dịch bệnh toàn cầu này sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa, nhưng đại dịch kết thúc như thế nào là tùy thuộc vào hành động của chính con người. Theo báo cáo mới được công bố, Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC) đã đưa ra 3 kịch bản về dịch bệnh có thể xảy ra tới năm 2027. Báo cáo do một nhóm gồm 20 chuyên gia trong lĩnh vực y tế, virus học, kinh tế học, khoa học hành vi, đạo đức học và xã hội học thực hiện.
Ở kịch bản thứ nhất, nếu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với người trưởng thành tăng từ khoảng 61% lên hơn 80% trên toàn cầu thì nhiều người có thể được cứu sống và nguy cơ xuất hiện các biến thể có thể giảm đi. Hơn nữa, điều này cũng đem lại những lợi ích nhất định đối với sức khỏe tâm thần, kinh tế và sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản lạc quan này, virus SARS-CoV-2 cũng sẽ không biến mất, nhưng sự lây lan của virus sẽ trở nên dễ kiểm soát hơn. Mặc dù vậy, ISC cho rằng rất nhiều khả năng, kịch bản này không thể đạt được vì các chính phủ hiện nay đang kéo dài đại dịch khi chỉ tập trung vào các chiến lược quốc gia thay vì hợp tác quốc tế.
Theo kịch bản thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu ở mức dưới 70%. Nếu tỷ lệ này không tăng lên, Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu gây bệnh theo mùa ở nhiều quốc gia, theo đó đòi hỏi các nhà khoa học cần điều chỉnh vaccine và sử dụng thuốc kháng virus. ISC cho rằng đến năm 2027, kịch bản mà rất có thể xảy ra là tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ bị lùi lại 1 thập kỷ. Báo cáo chỉ ra rằng ngay cả khi giai đoạn cấp tính của đại dịch sắp kết thúc ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thì rủi ro vẫn ở mức cao khi nhiều người trên thế giới chưa được tiếp cận vaccine một cách hiệu quả vì các biến thể mới có thể tiếp tục xuất hiện.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Cremona, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đối với kịch bản thứ ba, nếu tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu ở mức dưới 60%, thì các quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn bị hạn chế tiếp cận vaccine và thuốc kháng virus. Theo đó, Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát với sự tái phát nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên thế giới. Để tránh được kịch bản tồi tệ này, các chuyên gia cho rằng các chính phủ cần hợp tác và đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như giải quyết sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục và khoảng cách giàu nghèo.
Báo cáo của ISC cũng kêu gọi các chính phủ không chạy theo những lời xúi giục cắt giảm các mục tiêu về khí hậu để đạt được lợi ích ngắn hạn. Các tác giả báo cáo nhận định sự gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường có thể sẽ khiến các đại dịch dễ xảy ra hơn trong tương lai, điều mà không ai muốn trải qua thêm một lần nữa.
Vaccine ngừa Covid-19 giúp giảm tỷ lệ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hai nghiên cứu mới đây cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất đối với trẻ em và trẻ vị thành niên Mỹ trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Nghiên cứu thứ nhất kết luận vaccine này có hiệu quả bảo vệ khoảng 71% sau khi hoàn thành mũi thứ 3, đối với các trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15 tuổi. Nghiên cứu thứ hai cho thấy vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc nhập viện ở trẻ em từ 5 - 17 tuổi sinh sống tại bang New York. Cả hai nghiên cứu này vừa được xuất bản trên tạp chí khoa học JAMA.
Ở nghiên cứu thứ nhất, các nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch (CDC) đã phân tích dữ liệu từ 74.208 kết quả xét nghiệm Covid-19 phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của các trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 và 47.744 xét nghiệm PCR khác của trẻ từ 12 - 15 tuổi, tính từ ngày 26-12-2021 - 21-2-2022. Các xét nghiệm này đều được một chuỗi nhà thuốc tiến hành, tại 6.897 điểm thuộc 49 bang, thủ đô Washington D.C. và vùng lãnh thổ Puerto Rico.
Các nhà khoa học rút ra kết luận rằng, ở trẻ em và trẻ vị thành niên, hiệu quả vaccine sau 2 mũi vaccine của Pfizer không đáng kể và giảm nhanh. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ vị thành niên, hiệu quả của vaccine ước tính tăng sau một mũi tăng cường.
Ở nghiên cứu thứ 2, một nhóm nghiên cứu của Bộ Y tế bang New York đã sử dụng 4 cơ sở dữ liệu Covid-19 của bang để đánh giá các trường hợp mắc bệnh và nhập viện ở trẻ em từ 5 - 11 tuổi được tiêm chủng 2 mũi và thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 hoặc 3 mũi, hoàn thành trước đó ít nhất 14 ngày và những người chưa được tiêm vaccine tính từ ngày 29-11-2021 - 30-1-2022.
Cụ thể, có 365.502 trẻ em từ 5 - 11 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ và 997.554 trẻ em khác chưa được tiêm chủng. Trong số thanh thiếu niên, 852.384 đã được tiêm chủng đầy đủ và 208.145 trường hợp chưa được tiêm vaccine.
Trong thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học ghi nhận 140.680 trường hợp mắc Covid-19 và 414 trường hợp nhập viện ở nhóm tuổi trẻ hơn, trong khi có 154.555 trường hợp nhiễm và 671 trường hợp nhập viện ở những trường hợp lớn hơn. Biến thể Omicron chiếm khoảng 19% các ca mắc trong giai đoạn đầu, tính từ 29-11-2021 - 13-12-2022 và sau đó chiếm khoảng 99% các ca mắc ở giai đoạn sau - tính đến ngày 24-1.
Sau khi tính toán các tỷ lệ và chỉ số, các nhà khoa học kết luận những người chưa tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh và nhập viện cao hơn so với những người đã được tiêm vaccine ở cả hai nhóm tuổi, mặc dù nguy cơ này đã giảm khi biến thể Omicron lây lan rộng rãi, trong khi hiệu quả của vaccine cũng giảm dần theo thời gian.
Các nhà khoa học đánh giá kết quả này là cơ sở cho nỗ lực tăng bao phủ vaccine ở trẻ em và trẻ vị thành niên và việc xem xét lại chiến lược tiêm chủng đối với trẻ em từ 5-11 tuổi tại Mỹ.
Indonesia nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang
Từ ngày 18-5, người dân Indonesia khi ra đường và tham gia các hoạt động ngoài trời sẽ không phải đeo khẩu trang. Đây là quyết định vừa được Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố vào chiều 17-5. Quyết định này được đưa ra căn cứ trên tình hình thực tế dịch bệnh đã dần được kiểm soát tại nước này.
Học sinh tại một trường học ở Bandung, West Java, Indonesia, ngày 12-5-2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn còn hiệu lực với người dân khi tới tại các khu vực công cộng có không gian kín hoặc khi phương tiện công cộng. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng khuyến nghị người có tuổi và người có các vấn đề về sức khỏe hoặc ho vẫn nên tiếp tục sử dụng khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Ngoài việc nới lỏng quy định về đeo khẩu trang, Indonesia cũng điều chỉnh các quy định về xét nghiệm đối với du khách nước ngoài và người du lịch nội địa.
Trong vài tuần gần đây, nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia cũng đã gỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại khu vực ngoài trời.
Campuchia: Du khách chưa tiêm phòng vẫn phải cách ly 7 ngày
Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 17-5 dẫn lời Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết khách du lịch chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ không được miễn cách ly khi nhập cảnh Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen nêu rõ Campuchia đón chào tất cả du khách, nhưng người chưa tiêm phòng Covid-19 vẫn phải cách ly 7 ngày. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng Campuchia đã vượt qua các làn sóng dịch bệnh do các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Alpha, Delta và Omicron gây ra, nhưng hiện vẫn chưa chiến thắng Covid-19. Campuchia đang dốc toàn lực và thúc đẩy chiến dịch tiêm phòng Covid-19 nên chưa thể cho phép khách chưa tiêm phòng nhập cảnh mà không cách ly.
Hiện nay, du khách đã tiêm phòng Covid-19 không cần cách ly, không cần xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR khi nhập cảnh Campuchia.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 16-5-2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Mỹ: Có thể giảm được hơn 300.000 ca tử vong do Covid-19 nếu người dân tiêm phòng
Một phân tích vừa được công bố cho thấy nước Mỹ lẽ ra đã có thể ngăn ngừa 300.000 ca tử vong nếu người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Phân tích trên được các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Brown, Bệnh viện Brigham và Phụ nữ, Đại học Harvard và Chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI) vì sức khỏe của Microsoft (AI for Health) phối hợp thực hiện dựa trên những dữ liệu thực tế từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và tờ The New York Times. Kết quả cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022, ít nhất 318.000 bệnh nhân mắc Covid-19 đã có thể được cứu sống nếu trước đó đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Mặc dù mức trung bình trên toàn quốc chỉ ra rằng khoảng 50% trường hợp tử vong có thể phòng ngừa được, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết có sự khác biệt lớn giữa các bang - dao động từ 25% đến 74% ca tử vong có thể ngăn ngừa được nhờ vaccine. Các bang Tây Virginia, Wyoming, Tennessee, Kentucky và Oklahoma dẫn đầu danh sách các bang nơi có thể cứu sống nhiều người nhất nhờ vaccine ngừa Covid-19, trong khi các bang và khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn như thủ đô Washington, bang Massachusetts, Puerto Rico, Vermont và Hawaii lại cho thấy số ca tử vong có thể ngăn chặn nhờ vaccine ở mức thấp nhất.
Theo dữ liệu của CDC Mỹ, cho đến nay, hơn 220 triệu người dân nước này đã được tiêm đủ liều vaccine cơ bản ngừa Covid-19, 100 triệu người trong số đó đã được tiêm mũi tăng cường đầu tiên. Tuy nhiên, khoảng 92 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm - chiếm khoảng 50% số người hiện đủ điều kiện - vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường.
FDA cấp phép sử dụng bộ kít xét nghiệm Covid-19, cảm cúm tại nhà
Ngày 16-5, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng bộ kit xét nghiệm tại nhà đối với các bệnh đường hô hấp như Covid-19 hay cúm mùa. Người dân Mỹ có thể mua bộ kit này mà không cần đơn của bác sĩ.
Theo đó, FDA đã cấp phép sử dụng cho bộ xét nghiệm RT-PCR DTC đối với virus gây bệnh hô hấp mùa do công ty Labcorp nghiên cứu và sản xuất. Giám đốc Trung tâm thiết bị và y tế phóng xạ thuộc FDA Jeff Shuren cho biết mặc dù cơ quan này đã cấp phép nhiều xét nghiệm Covid-19 mà không cần đơn thuốc, nhưng đây là xét nghiệm đầu tiên được phép lưu hành dành cho xét nghiệm bệnh cúm và virus gây bệnh hợp bào hô hấp (RSV), cùng với Covid-19. Ông nêu rõ mọi cá nhân có thể tự mua, tự lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm để lấy kết quả xét nghiệm mà không cần tư vấn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Việc lấy mẫu sử dụng bộ kit RT-PCR DTC giống như việc lấy dịch mũi khi xét nghiệm Covid-19. Sau khi gửi mẫu xét nghiệm đến phòng thí nghiệm, người dân có thể nhận kết quả trên một trang web. Ngoài virus SARS-CoV-2, bộ kit xét nghiệm của Labcorp có thể xác định virus gây cúm A, cúm B, RSV.
Cùng ngày, FDA cũng từ chối cấp phép sử dụng thuốc chống trầm cảm fluvoxamine trong điều trị Covid-19, cho rằng dữ liệu hiện có không cho thấy tính hiệu quả của loại thuốc này trong việc chống virus SARS-CoV-2.
Đức duy trì quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng
Hành khách sẽ vẫn bị yêu cầu đeo khẩu trang trên các chuyến bay của Đức ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh Covid-19 đối với du khách.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em tại Berlin, Đức ngày 8-1-2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cho đến nay giới chức Đức chưa có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các chuyến bay cho dù EU đã đưa ra hướng dẫn mới liên quan đến các quy định phòng chống dịch. Vì vậy, hành khách bay đến và đi từ Đức vẫn phải đeo khẩu trang khi lên, xuống máy bay và trong suốt hành trình bay.
Ngoài máy bay, đến nay Chính phủ Đức thông báo giới chức nước này chưa có kế hoạch dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng khác trong tương lai gần.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach giải thích rằng không thể dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng ở thời điểm này, khi Đức vẫn ghi nhận trên dưới 150 ca tử vong và 70.000 ca mắc mới mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng số ca mắc trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Cho đến nay, gần 76% dân số đã tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19 và khoảng 60% đã được tiêm mũi nhắc lại.
Theo Baotintuc.vn