Quốc tế

Thế giới đứng bên bờ vực thẳm sau khủng hoảng Ukraine

18:51, 15/05/2022 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng Ukraine gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3 vấn đề toàn cầu: nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và đói nghèo.

Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, một đặc điểm khác thường của cuộc khủng hoảng Ukraine là cách nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3 vấn đề toàn cầu: nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và đói nghèo.

Dưới sự thúc đẩy của cuộc chiến toàn diện về kinh tế và tài chính chống lại Nga, như ngoại trưởng Pháp đã mô tả, phương Tây hiện cam kết thực hiện một loạt biện pháp gây đe dọa tới các mục tiêu này, khiến chúng trở thành các mục tiêu xếp hàng thứ hai hoặc thứ ba sau mục tiêu lớn nhất hiện nay là gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.

Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bắt nguồn từ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine vì nó đã làm gián đoạn các chuyến hàng vận chuyển thực phẩm và phân bón đi từ Biển Đen, nhưng cuộc chiến kinh tế tổng thể chống lại Nga (TEWAR) có vẻ như sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng này, biến tình trạng gián đoạn tạm thời thành gần như vĩnh viễn.

An ninh năng lượng và biến đổi khí hậu dẫn tới một loạt vấn đề khó khăn vốn rất khác so với các vấn đề địa chính trị truyền thống, nhưng đối với 2 lĩnh vực này, địa chính trị truyền thống vẫn có tầm quan trọng sống còn.

Hai lĩnh vực này có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Sản xuất năng lượng cần tới nước và thường phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngọt khan hiếm.

Biến đổi khí hậu sẽ làm cho một số khu vực dễ bị hạn hán hoặc phải hứng chịu nhiều cơn bão khắc nghiệt hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung cấp lương thực.

Ngoài ra, giá dầu và khí đốt tự nhiên cũng có mối liên hệ chặt chẽ với giá lương thực. Lịch sử cho thấy khủng hoảng trong lĩnh vực này sẽ dẫn tới khủng hoảng ở các lĩnh vực còn lại.

Mỹ không đạt được sự đồng thuận chính trị về việc làm thế nào để tiếp cận với một loạt vấn đề khó khăn này. Cánh hữu ngày càng tin rằng khoa học khí hậu là một trò lừa bịp. Ngược lại, phe cánh tả kết luận rằng các công ty dầu mỏ là những kẻ xấu xa.

Trên thực tế, mối nguy hiểm của biến đổi khí hậu là có thật và rất cần được quan tâm, nhưng các nỗ lực "khử carbon" nền kinh tế cũng cần tập trung chặt chẽ vào lĩnh vực an ninh năng lượng, vốn là điều quan trọng đối với cả an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của hàng tỷ người trên thế giới.

Một chính sách hợp lý phải giải quyết được cả hai vấn đề này; và TEWAR có nguy cơ làm "trật bánh" cả hai.

Phương Tây sẽ tiến xa tới đâu trong việc triển khai các kế hoạch đã công bố của họ? Đó vẫn còn là một câu hỏi.

Mặc dù Mỹ tỏ ra hoàn toàn ủng hộ các biện pháp khắc nghiệt trong giai đoạn đầu của lệnh cấm vận, song Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm 21-4 lưu ý: "Chúng tôi cần phải cẩn thận khi nghĩ về một lệnh cấm hoàn toàn của châu Âu đối với việc nhập khẩu dầu."

Bà cho rằng một lệnh cấm như vậy sẽ làm tăng giá dầu trên toàn cầu "và ngược với mong đợi, nó thực sự có thể có rất ít tác động tiêu cực đối với Nga, bởi vì mặc dù Nga có thể xuất khẩu ít hơn, nhưng giá dầu xuất khẩu của họ sẽ tăng lên."

Những phát biểu của bà Yellen đã tóm lược rất chính xác những gì đã trở thành mục đích cơ bản của chính sách phương Tây, đó là tìm cách giảm doanh thu của Nga “mà không gây hại cho toàn cầu khi giá năng lượng tăng lên.”

Tuy nhiên, ý tưởng đó rất khó thực hiện được. Mọi sáng kiến mà chính quyền thực hiện trong hoạt động ngoại giao dầu mỏ đều đã thất bại. Sản lượng dầu mỏ của Nga ước tính đã giảm từ 11,1 triệu thùng-ngày trong tháng 2-2022 xuống còn 9,76 triệu thùng-ngày trong tháng 4-2022.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng con số này sẽ giảm đi 1-4. Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung toàn cầu được cho là sẽ không sớm xảy ra.

Cách tiếp cận của Mỹ đối với Venezuela, Saudi Arabia, Qatar, UAE và Iran khác nhau tùy theo hoàn cảnh, nhưng kết quả khá giống nhau - đó là sự thất vọng.

Mỹ không có thỏa thuận nào với Venezuela. Thái tử Mohammad bin Salman sẽ không nhận điện thoại từ Tổng thống Joe Biden, và muốn phối hợp chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh (OPEC+) cùng với Nga.

Qatar nhắc nhở các nhà đàm phán lạc quan của Mỹ - những người đang mong muốn vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu - rằng họ có các hợp đồng LNG với châu Á trong dài hạn và không thể vi phạm.

Niềm hy vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran, vốn sẽ giúp thị trường toàn cầu có thêm từ 1-1,5 triệu thùng dầu-ngày, đang gặp trở ngại vì Mỹ bị mắc kẹt giữa một bên là nhu cầu cần xích lại gần Iran với một bên là làm thế nào để thuyết phục dân chúng ở trong nước.

Trong những ngày ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến, giá dầu tăng vọt 35%, nhưng vào ngày 29-4, giá dầu chỉ cao hơn giá ngày 23-2 (một ngày trước chiến tranh ) 14%.

Hai yếu tố giúp chế ngự giá dầu tăng cao là việc 400 triệu người ở Trung Quốc đột ngột bị phong tỏa vì dịch Covid-19 và lời hứa sẽ giải phóng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ (SPR), tuy nhiên mối nguy vẫn còn đó.

Khi Mỹ và phương Tây ngày càng thành công trong việc đạt được mục tiêu chính là giảm doanh thu của Nga, viễn cảnh về một cú sốc dầu mỏ rõ ràng càng gia tăng.

Giải pháp tạm thời là giải phóng 180 triệu thùng dầu từ SPR chắc chắn sẽ giúp ích trong năm 2022. Còn tới năm 2023, khi SPR cạn kiệt một nửa, tình hình sẽ ra sao? Chính nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư đã thúc đẩy sự ra đời của SPR.

Với triển vọng phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran đang trở nên mờ mịt, mối nguy hiểm đó vẫn tăng lên chứ không hề giảm bớt.

Thất bại trong việc khôi phục Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải chịu nhiều áp lực, trong đó một tác động phụ của nó là mối đe dọa ngày càng gia tăng về các đòn trả đũa ăn miếng trả miếng trong lĩnh vực dầu mỏ.

Việc xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược trong năm nay giúp củng cố an ninh năng lượng trong ngắn hạn, nhưng an ninh năng lượng sẽ giảm đi khi SPR cạn kiệt.

Liệu những người chủ trương ủng hộ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn (đối với Nga) có cân nhắc đến lợi ích của khu vực phía Nam Bán cầu hay không? Có vẻ như là không.

Ví dụ trường hợp của Ấn Độ. Mỹ đã kinh ngạc khi Ấn Độ dàn xếp giao dịch bằng đồng Rupee-Ruble để mua dầu mỏ của Nga với mức chiết khấu 20% so với giá thế giới. Giá dầu là một vấn đề lớn đối với Ấn Độ.

Như Mihir Sharma đã chỉ ra trên tờ Business Standard của Ấn Độ: “Nếu dầu vẫn ở mức trên 70 USD-thùng trong nhiều tháng, đồng Rupee sẽ sụp đổ, chính phủ hết tiền chi tiêu, lạm phát sẽ tăng vọt và đất nước sẽ phải bắt đầu lo lắng về khủng hoảng cán cân thanh toán."

Dù thế nào đi chăng nữa, có một điểm rất rõ ràng, đó là chính sách của phương Tây càng tiến gần đến việc cắt giảm xuất khẩu dầu của Nga vốn do phe diều hâu thúc đẩy, thì hậu quả là các nước đang phát triển nhất càng bị đẩy vào nguy hiểm.

Việc các vấn đề địa chính trị được coi trọng hơn cả an ninh năng lượng và chương trình nghị sự khí hậu được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc tranh cãi về việc Đức nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga.

Đức phải đối mặt với sự lựa chọn giữa một bên là đòn giáng mạnh vào các ngành công nghiệp cơ bản của nước này và bên kia là việc trợ cấp cho cỗ máy chiến tranh của Nga, ước tính khoảng 1 tỷ euro-ngày.

Câu chuyện đầy kịch tính về việc liệu châu Âu có tuân thủ yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin thanh toán bằng đồng Ruble hay không đã được đẩy lên một giai đoạn mới khi Nga quyết định ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan và Bulgary vào ngày 27-4.

Trò chơi "ai là gà" này (ai sẽ bỏ cuộc trước) sẽ vẫn tiếp tục. Ngay cả khi đạt được một giải pháp tạm thời, một vụ va chạm thảm hại đối với cả Nga và Liên minh châu Âu (EU) sẽ vẫn là khả năng thường trực.

Điều hiếm khi được chú ý đến trong cuộc thảo luận là khí đốt của Nga rõ ràng là rất quan trọng đối với châu Âu xét từ góc độ chương trình nghị sự về khí hậu và an ninh năng lượng.

Tất cả các giải pháp thay thế đều tốn kém hơn nhiều và nếu việc cắt giảm tiêu thụ xảy ra đột ngột, nó sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho ngành công nghiệp Đức.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 28-4 tuyên bố rằng "việc tuân theo yêu cầu (của Putin) là vi phạm các lệnh trừng phạt."

EU không thực hiện các bước này vì mục đích đảm bảo an ninh năng lượng. EU đang hy sinh an ninh năng lượng vì mục đích gây tổn hại cho nền kinh tế Nga và cỗ máy chiến tranh của nước này. Đây không phải là trường hợp nhà sản xuất từ chối bán, mà là do người tiêu dùng không muốn trả tiền - một sự trái ngược kỳ lạ so với cách mà Đức và châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Trước đây, người ta luôn lo sợ rằng nhà xuất khẩu sẽ cắt giảm xuất khẩu chứ không phải nhà nhập khẩu sẽ cắt giảm nhập khẩu. Điều đó làm giảm bớt niềm tin rằng Đức sẽ thực sự đi tiếp trên con đường có thể "gây thiệt hại hàng loạt" cho ngành công nghiệp trong nước của họ và gây ra những tác động đáng tiếc đối với phần còn lại của thế giới (các công ty Đức có thể làm được gì để thay thế phân bón được sản xuất từ khí tự nhiên?), nhưng chính phủ Đức phải đối mặt với rất nhiều áp lực để làm được điều đó.

Sự phụ thuộc hoàn toàn của Đức vào khí đốt của Nga, với 55% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào năm 2021, một phần là do các nhà máy hạt nhân của nước này bị đóng cửa - một quyết định không khôn ngoan xuất phát từ góc độ khí hậu - nhưng chủ yếu là do sự gần gũi về địa lý và nhu cầu về năng lượng cơ bản.

Khí đốt tự nhiên hoạt động tốt hơn than đá hay năng lượng hạt nhân để giải quyết tình trạng đôi khi bị gián đoạn của năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhưng càng ít khí đốt thì lượng than đá bị đốt cháy sẽ càng nhiều, đặc biệt là nếu các cú sốc về năng lượng buộc họ phải tiến hành chuyển đổi năng lượng.

Do cơ sở hạ tầng khí đốt của Nga bị ảnh hưởng, việc thay thế bằng LNG từ Mỹ có thể là một sự lựa chọn tốt hơn từ quan điểm phát thải, nhưng giải quyết vấn đề trước đây trong khi giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga theo thời gian sẽ ít tốn kém hơn và thân thiện với khí hậu hơn so với việc xây dựng một cơ sở hạ tầng LNG mới ở châu Âu. Đó là những gì các nhà lãnh đạo EU đã nghĩ lại vào năm 2018, khi chính quyền Trump kêu gọi họ mua thêm khí đốt của Mỹ; nhưng rõ ràng hiện nay họ đã sẵn sàng.

Ý tưởng rằng nước Đức đầy sương mù nên bao phủ mình bằng các tấm pin mặt trời và các vùng xích đạo nên dùng than đá thực sự không có tính thuyết phục, nhưng kế hoạch của Mỹ và EU đang khuyến khích kết quả đó.

Nếu châu Âu thâm nhập thị trường LNG với quy mô lớn, các nước đang phát triển sẽ không đủ khả năng mua năng lượng và phải rời bỏ thị trường này, giải pháp thay thế hợp lý của họ là sử dụng nhiều than đá hơn trong dài hạn, như cách châu Âu đang làm trong ngắn hạn.

Cũng lưu ý rằng để sản xuất năng lượng mặt trời, Đức sẽ phải dựa vào các nhà cung cấp từ Trung Quốc, quốc gia sản xuất hơn 60% tấm pin mặt trời trên thế giới.

Trên thực tế, cả an ninh năng lượng và các mục tiêu khí hậu đều không thể đạt được trừ khi các chế độ được coi là chuyên chế hoặc xấu xa tham gia vào việc tìm ra giải pháp ở một số khía cạnh. Đó là điều không được hoan nghênh, nhưng nó là thực tế.

Trong thập kỷ qua, trọng tâm chính về an ninh quốc gia của Mỹ là Iran, Nga và Trung Quốc. Các nước này liên tiếp trở thành mối đe dọa lớn nhất trong một giai đoạn.

Đối với Iran, đó là mối đe dọa được cho là từ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này đối với Israel, Saudi Arabia và Mỹ; đối với Trung Quốc, đó là vì các trại cưỡng bức lao động ở Tân Cương; đối với Nga, đó là do hành động gây hấn với Ukraine.

Trên thực tế, đường lối cứng rắn mới chống lại kẻ thù số một có nghĩa là phải áp dụng đường lối mềm mỏng đối với kẻ thù số hai, ba và bốn.

Chúng ta đang dệt nên một mạng lưới rối ren đến nhường nào khi tìm cách sắp xếp lại nền kinh tế thế giới thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện.-.

Theo Vietnam+

.