Đà Nẵng cuối tuần

"Cơn sóng thần" cực hữu chấn động nước Pháp

07:55, 25/06/2022 (GMT+7)

Bất ngờ giành được 89 ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2 ở Pháp, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National - RN) của bà Marine Le Pen trở thành đảng chính trị đối lập chính tại cơ quan lập pháp này.

Bà Marine Le Pen gọi chiến thắng của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) là “cơn sóng thần” trên chính trường Pháp. Ảnh: Reuters
Bà Marine Le Pen gọi chiến thắng của đảng Tập hợp Quốc gia (RN) là “cơn sóng thần” trên chính trường Pháp. Ảnh: Reuters

Trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2 diễn ra ngày 19-6 với kết quả chung cuộc không đảng nào giành đa số ghế, người ta nhắc nhiều đến thất bại của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron cũng như sự trỗi dậy của phe cực tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES). Các trang báo của Pháp và châu Âu tràn ngập thông tin về “thất bại mang sắc thái lịch sử” của ông Macron khi lần đầu tiên kể từ năm 2002, một nguyên thủ quốc gia không giành được đa số tại một cuộc bầu cử lập pháp diễn ra sau bầu cử tổng thống ở nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới. Song, ít ai phân tích về “cơn địa chấn” RN đã lội dòng nước ngược về thứ ba với 89 ghế trong số 577 ghế, góp phần tạo ra rào cản cho ông Macron trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Chiến thắng lịch sử

Thực tế, chưa bao giờ RN có được sự hiện diện mạnh mẽ như vậy trong Quốc hội Pháp. Thành tích tốt nhất mà tiền thân của RN (tức đảng Mặt trận Quốc gia - FN) từng đạt là 35 ghế trong cuộc bầu cử năm 1986. Năm 2017, RN chỉ có 8 ghế (gần bằng 1/10 hiện nay), chưa đủ tối thiểu 15 đại biểu để thành lập một nhóm nghị sĩ trong Quốc hội.

Bước đột phá bất ngờ lần này của RN cực hữu, cùng với tỷ lệ ủng hộ gia tăng dành cho phe cực tả, đang làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Tổng thống Macron, “phủ bóng” lên kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu và cắt giảm thuế của ông, đồng thời định hình lại cục diện chính trị nước Pháp.

Hồi tháng 4, bà Le Pen thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp với 41,5% số phiếu, so với 58,5% số phiếu dành cho ông Macron. Bà được xem là “cơn ác mộng” của châu Âu bởi vị nữ chính trị gia 54 tuổi này theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng “quốc gia trên hết”, vốn đang lên ngôi ở châu Âu sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU). Quan điểm của bà đối lập với quan điểm của EU trong chính sách nhập cư và đối ngoại; đối lập cả với quan điểm của Tổng thống Macron, vốn chủ trương ủng hộ châu Âu, đặt nước Pháp là trung tâm của cả EU. Châu Âu lo ngại nếu bà Le Pen trở thành Tổng thống Pháp, liên minh này có nguy cơ tan rã bởi bà sẽ kêu gọi Frexit (Pháp rời EU). 

Giờ đây, bà Le Pen vui mừng khi có thể sử dụng số ghế giành được trong Quốc hội để cản trở chương trình trong nước của ông Macron, thậm chí kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, hay soạn thảo dự luật và gửi trực tiếp tới Tòa án hiến pháp. Bà gọi đây là “chiến thắng lịch sử” và “cơn sóng thần” trên chính trường Pháp.

“Ẩn số” Le Pen

Bà Le Pen sinh năm 1968 ở Neuilly-sur-Seine, một xã trong vùng đô thị Paris. Bà là con út trong một gia đình có 3 người con gái. Cha bà, ông Jean-Marie Le Pen, thành lập FN vào năm 1972. Bà trở thành Chủ tịch FN vào năm 2011 và nỗ lực xây dựng hình ảnh đảng này với các ý tưởng cấp tiến; trục xuất các thành viên gây tranh cãi do bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, bài Do Thái. Thậm chí, bà trục xuất cha mình khỏi đảng này vì ông có quan điểm cực đoan, không còn phù hợp.

Năm 2012, bà Le Pen đại diện FN tham gia cuộc bầu cử tổng thống, chống lại tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy và ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande. Tuy về thứ ba và không lọt vào vòng 2 nhưng bà đã đánh dấu việc thoát khỏi cái bóng của cha mình để trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc gia.

Năm 2017, bà Le Pen tiếp tục ra tranh cử tổng thống và thất bại trước ông Macron ở vòng 2. Sau đó, bà đổi tên đảng từ FN (Front National) thành RN (Rassemblement National).

Năm 2022, bà Le Pen khởi động cuộc đua vào Điện Élysée lần thứ 3 với cam kết bảo vệ “quyền tự do” của nước Pháp. Lần này, bà thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn để lấy lòng giới chính trị gia Pháp và những cử tri vốn lo ngại kịch bản Frexit.

Trong các cuộc bỏ phiếu trước đây, khi được hỏi về cơ hội dành cho bà Le Pen, các nhà quan sát đều lắc đầu nói “không”. Nhưng kể từ cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4-2022, cái tên Le Pen là một ẩn số bởi bà hoàn toàn có thể lội ngược dòng và chiến thắng.

Tuần tới, Quốc hội Pháp bắt đầu làm việc. Bà Le Pen nói rằng, RN sẽ tìm cách nắm vị trí chủ chốt ở Ủy ban Tài chính quyền lực của Quốc hội. Nhóm nghị sĩ “gai góc” của phe cực hữu RN cùng với phe cực tả NUPES chắc chắn sẽ khiến chính phủ phải đàm phán nhiều hơn.

VĨNH AN
(theo AFP, Reuters, LAT, The Independent)

.