Quốc tế

Thế giới tuần qua: WHO họp khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ; Thượng đỉnh BRICS lần thứ 14

08:53, 26/06/2022 (GMT+7)

WHO họp phiên khẩn cấp đầu tiên về bệnh đậu mùa khỉ và Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS lần thứ 14 là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Hình ảnh hiển vi các hạt virus đậu mùa khỉ thu được từ mẫu da người lâm sàng. Ảnh: Reuters
Hình ảnh hiển vi các hạt virus đậu mùa khỉ thu được từ mẫu da người lâm sàng. Ảnh: Reuters

WHO họp phiên khẩn cấp đầu tiên về bệnh đậu mùa khỉ

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp thảo luận về việc có nên tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không. Sự kiện này có thể đánh dấu tuyên bố quan trọng với bệnh đậu mùa khỉ, giúp các quốc gia nâng cao phản ứng đối với căn bệnh này.

Đây là cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp của WHO về Quy định Y tế Quốc tế liên quan đến sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở một số quốc gia. Cuộc họp diễn ra từ ngày 23-6, nhưng WHO chưa cho biết khi nào các chuyên gia sẽ công bố kết luận chính thức. Trên trang Twitter, WHO cho biết “Ủy ban Khẩn cấp dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố trong vòng vài ngày sau cuộc họp”, đồng thời lưu ý rằng đây là một cuộc họp kín.

Cuộc họp khẩn của WHO diễn ra trong bối cảnh ca bệnh đậu mùa khỉ đang tăng mạnh và các nhà khoa học phát hiện virus này có tốc độ đột biến chưa từng thấy. Bộ Y tế Singapore ngày 21-6 cũng thông báo nước này xác nhận một ca đậu mùa khỉ nhập cảnh, đánh dấu ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Đông Nam Á trong đợt bùng phát bất thường này. Tính đến thời điểm hiện tại, WHO đã ghi nhận trên 3.500 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 84% số ca mắc ở châu Âu.

Cuộc họp tập hợp các chuyên gia từ các khu vực bị ảnh hưởng nhất. Họ sẽ đưa ra khuyến nghị với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Theo WHO, Ủy ban Khẩn cấp sẽ tư vấn cho ông Tedros về việc liệu sự kiện này có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không. Từ đó, ủy ban sẽ đưa ra các khuyến nghị tạm thời về cách ngăn ngừa và giảm sự lây lan của dịch bệnh và quản lý toàn cầu tốt hơn.

Theo hãng tin Reuters, hầu hết chuyên gia đều cho rằng bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát phù hợp với tiêu chí của WHO về định nghĩa tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Đây là một sự kiện  bất thường lan rộng trên phạm vi quốc tế, cần có sự hợp tác của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bà Clare Wenham, trợ lý Giáo sư y tế toàn cầu tại trường Kinh tế London (Anh) cho biết WHO đang ở vị trí bấp bênh sau đại dịch COVID-19.

“Nếu WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp và các quốc gia không hành động, điều đó có thể làm suy yếu vai trò của cơ quan này trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Dù làm hay không, họ cũng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan”, bà nhận định.

Trong khi đó, Giáo sư Emmanuel Nakoune, quyền Giám đốc Viện Pasteur ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi, cho biết: “Khi một căn bệnh ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, nó dường như không phải là trường hợp khẩn cấp. Nó chỉ trở thành trường hợp khẩn cấp khi các nước phát triển bị ảnh hưởng”.Dẫu vậy, Giáo sư Nakoune bình luận rằng nếu WHO ban bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ, đây vẫn là quyết định quan trọng.

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Kể từ đó, các ca bệnh chủ yếu xuất hiện ở các nước Trung Phi và Tây Phi. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là khoảng 1% với chủng Tây Phi và 10% ở chủng Trung Phi. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm sốt cao, nhức đầu, đau cơ, đau lưng và xuất hiện phát ban trên da. Thời gian ủ bệnh thông thường là từ 5-21 ngày.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14

Nhà lãnh đạo các nước BRICS trong hội nghị thượng đỉnh năm 2019. Ảnh: CNN
Nhà lãnh đạo các nước BRICS trong hội nghị thượng đỉnh năm 2019. Ảnh: CNN

Ngày 23-6, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các quốc gia thành viên đã phát huy tinh thần cởi mở, tăng cường đoàn kết, thể hiện khả năng phục hồi và sức sống với những tiến triển và thành quả hợp tác tích cực.

Điểm nổi bật nhất là hội nghị lần này đã thông qua Tuyên bố Bắc Kinh. Tuyên bố kêu gọi các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò xây dựng trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế và ngăn ngừa những rủi ro mang tính hệ thống.

Về vấn đề kinh tế và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi các nước phát triển hàng đầu thế giới phát triển nền kinh tế của mình một cách có trách nhiệm và phi chính trị để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho các nước đang phát triển. Giới chức cũng tái khẳng định sự ủng hộ dành cho một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử và dựa trên các quy tắc, như WTO đã thể hiện.

Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo lưu ý rằng đại dịch COVID-19 là một cú sốc lớn đối với nhân loại. Tuyên bố nhận định: “Sự phục hồi không cân bằng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và triển vọng kinh tế xấu đi”.

Về vấn đề năng lượng, các lãnh đạo BRICS nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập với các nguồn năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại.

Các quốc gia thành viên BRICS cũng thảo luận về khả năng chấp nhận các quốc gia mới gia nhập hiệp hội, bày tỏ ủng hộ việc tiếp tục thảo luận giữa các nước thành viên về quá trình mở rộng BRICS, nhấn mạnh sự cần thiết phải làm rõ các hướng dẫn, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục cho quá trình này thông qua kênh trao đổi của các nước BRICS trên cơ sở tham vấn và đồng thuận toàn diện. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh nỗ lực của BRICS nhằm tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển và thị trường mới nổi khác.

Giới quan sát bình luận hội nghị lần này là lần đầu tiên Tổng thống Vladimir Putin tham dự một diễn đàn cùng giới lãnh đạo các nền kinh tế lớn kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2. Đối với ông Putin, điều này có thể mang lại thông điệp rằng dù chịu sức ép bởi hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn không đứng một mình. Đồng thời, sự xuất hiện của ông trong hội nghị trực tuyến này cũng gửi một thông điệp gây tiếng vang lớn về mối quan hệ “không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga.

Theo Baotintuc.vn

.