Sắp đến ngày Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp thượng đỉnh ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nhưng có ít triển vọng cho thấy tiến trình gia nhập liên minh quân sự này của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được thúc đẩy sớm.
Quốc kỳ các nước thành viên NATO được treo bên ngoài trụ sở liên minh quân sự này ở Brussels (Bỉ). Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters cho biết, các cuộc thảo luận giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển về việc 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO sẽ tiếp tục diễn ra sau khi cuộc đàm phán gần đây nhất ở Brussels (Bỉ) không đạt kết quả.
Trong cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 20-6, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 29 và 30-6 tại Madrid không phải là “thời hạn cuối” cho tiến trình gia nhập khối của Phần Lan và Thụy Điển. “Tiến trình đàm phán sẽ phụ thuộc vào các bước thực hiện của hai nước. Các nhà chức trách Thụy Điển nói với chúng tôi rằng, một đạo luật chống khủng bố mới sẽ có hiệu lực vào tháng 7”, ông Kalin nhấn mạnh.
Đứng trước những lo ngại mới từ cuộc xung đột tại Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển thay đổi quan điểm trung lập, chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18-5. Nếu trở thành thành viên NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được bảo đảm an toàn hơn theo Điều 5 của khối quân sự này.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển “chứa chấp” những phần tử liên quan lực lượng vũ trang của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và một số tổ chức bị Ankara quy kết là khủng bố. Là quốc gia có quy mô quân đội lớn thứ hai trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Helsinki và Stockholm thực hiện “các bước đi cụ thể” như ngừng hỗ trợ các nhóm mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố, dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với nước này cũng như trục xuất các nghi phạm mà Ankara đang truy nã. Ankara coi đây là những điều kiện tiên quyết để hai nước Bắc Âu gia nhập khối hiện có 30 thành viên.
Người phát ngôn Kalin cũng cho biết, đàm phán ở Brussels với các quan chức Phần Lan, Thụy Điển và NATO đã diễn ra trong không khí “cởi mở và thân thiện” (dù chưa đạt kết quả). “Khi chúng ta thấy những bước đi cụ thể, tất cả chúng ta sẽ có cơ hội đánh giá về hướng đi của tiến trình này”, ông Kalin nói. Ankara ra “tối hậu thư” rằng, các mối quan tâm của họ phải được giải quyết thì đàm phán mới đạt tiến triển.
Phần Lan và Thụy Điển đang nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 10-6, Thụy Điển công bố tài liệu chính sách đối ngoại, nhấn mạnh sự cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố và mở đường để Stockholm tái xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ (lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được áp đặt từ năm 2019 do Ankara can thiệp quân sự vào miền Bắc Syria). Thụy Điển cũng bắt đầu sửa đổi luật chống khủng bố. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson khẳng định luật mới chặt chẽ hơn sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7.
So với Thụy Điển, Phần Lan ít có xích mích với Thổ Nhĩ Kỳ hơn nhưng Helsinki tuyên bố sẽ không gia nhập NATO nếu không có Stockholm. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin lo ngại nếu các vấn đề không được giải quyết trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid thì “tình hình có nguy cơ sẽ đóng băng”.
Ngày 20-6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp gỡ đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển để thúc đẩy tiến độ phê duyệt tư cách thành viên của Helsinki và Stockholm.
Bất kỳ tư cách thành viên nào của NATO đều phải có sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên thuộc liên minh. Không có lá phiếu của Thổ Nhĩ Kỳ, tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ bế tắc. Theo các nhà phân tích, trường hợp đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan được thông qua, NATO sẽ có thêm hai thành viên có năng lực quân sự rất lớn, điều mà Nga không hề mong muốn.
Georgia quyết tâm gia nhập NATO Hãng tin Reuters cho biết, Thủ tướng Georgia Irakli Garibashvili ngày 21-6 nói rằng, nước này cam kết gia nhập NATO nhưng sẽ phải giải quyết những vấn đề lãnh thổ với Nga trước. Georgia được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6 này. |
PHÚC NGUYÊN