"Cơn địa chấn" trên chính trường Pháp

.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mất quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra ngày 19-6, đặt cơ quan lập pháp trong tình trạng “treo” - điều chưa từng có ở quốc gia châu Âu này trong hơn 30 năm qua.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ những người ủng hộ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội vòng 2 ngày 19-6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ những người ủng hộ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội vòng 2 ngày 19-6. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, kết quả bầu cử Quốc hội vòng 2 cho thấy, liên minh trung dung “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ giành được 245 ghế trong số 577 ghế, dưới mức tối thiểu 289 ghế để có thể nắm quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này. Khối cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES) của ông Jean-Luc Melenchon giành 131 ghế. Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen về thứ ba với 89 ghế và liên minh cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) có 61 ghế.

Kết quả nói trên là thất bại lớn đối với liên minh “Cùng nhau” của Tổng thống Macron, người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ hai hồi tháng 4. Việc không đảng nào giành đủ số ghế cần thiết để chiếm đa số dẫn đến Quốc hội “treo”. Giải pháp duy nhất là chia sẻ quyền lực và thỏa hiệp giữa các đảng phái - điều chưa từng có ở Pháp trong hơn 30 năm qua.

Hãng tin Reuters cho rằng, một câu hỏi then chốt đặt ra là Tổng thống Macron có liên minh với đảng cánh hữu truyền thống LR và Liên minh dân chủ độc lập (UDI), hay tham gia các cuộc đàm phán với những đảng phái khác. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne mô tả kết quả bầu cử Quốc hội là “sự rủi ro”, đồng thời nói rằng việc thành lập liên minh sẽ bắt đầu vào ngày 20-6 (giờ địa phương).

Phát biểu với đài France Inter, người phát ngôn chính phủ Olivia Gregoire xác nhận tình hình rất phức tạp và ông Macron sẽ cải tổ nội các trong những ngày tới. Thủ tướng Borne dự kiến ​​có bài phát biểu trước Quốc hội trong những tuần tới và sẽ đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong khi đó, theo tờ Economist, kết quả bầu cử có khả năng tạo ra cục diện nước Pháp theo 3 khối: trung tâm - do ông Macron lãnh đạo, cánh tả và cánh hữu theo dân tộc chủ nghĩa.

Xét về lý thuyết, cuộc bầu cử Quốc hội không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Pháp, nhưng những vấn đề trong nước có thể tác động đến những quyết định của Tổng thống Macron khi tham gia giải quyết các vấn đề nước ngoài.

Ông Macron bước vào nhiệm kỳ hai, cũng là nhiệm kỳ cuối cùng làm Tổng thống, với mong muốn đưa nước Pháp hội nhập sâu Liên minh châu Âu (EU), nâng tuổi nghỉ hưu và tạo sức bật mới cho ngành công nghiệp hạt nhân của nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới.

Liên minh “Cùng nhau” của ông Macron và đảng LR có quan điểm tương đồng về các vấn đề kinh tế, nâng tuổi nghỉ hưu và thúc đẩy năng lượng hạt nhân. Nếu kết hợp cùng nhau và cả với UDI, họ sẽ chiếm đa số trong Quốc hội và đây là kịch bản tốt nhất cho ông Macron. Tuy nhiên, các nghị sĩ LR khẳng định họ chưa sẵn sàng liên minh. “Vị trí của LR trong Quốc hội sẽ tự do và độc lập”, Tổng Thư ký LR Aurelien Pradie nói.

Giới phân tích cho rằng, trước mắt ông Macron chỉ có thể vận động các nghị sĩ ôn hòa cánh hữu và cánh tả đối với từng dự án, từng dự luật cụ thể để có đủ 289 phiếu ủng hộ. Chuyên gia Dominique Rousseau tại Đại học Paris Pantheon-Sorbonne nói với AFP: “Bạn có thể cầm quyền khi chỉ giành thiểu số ghế miễn là các đảng đối lập không hợp lực chống lại bạn”. Song, đây không phải là giải pháp lâu dài.

Kịch bản xấu nhất là Quốc hội vẫn “treo” và không có một chính phủ ổn định, ông Macron sẽ sử dụng điều 12 Hiến pháp - giải tán cơ quan lập pháp này để tổ chức bầu cử lại. Nếu theo kịch bản như thế, ông Macron sẽ không thể nắm chắc phần thắng, nhất là khi người dân ngày càng tức giận về vấn đề lạm phát, đồng thời sự ủng hộ dành cho các đảng đối lập cánh tả và cực hữu ngày càng tăng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.