Quốc tế
Nga tiếp tục giảm mạnh nguồn cung khí đốt sang EU
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo, lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tiếp tục giảm còn 33 triệu m3/ngày, chỉ tương đương 20% công suất kể từ ngày 27-7 do “vấn đề kỹ thuật”. Động thái này được cho là phép thử của Moscow về sức chịu đựng của châu Âu trong “cuộc chiến khí đốt” vốn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Từ ngày 27-7, công suất khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 giảm còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất thiết kế. TRONG ẢNH: Một cơ sở trong hệ thống đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters |
Gazprom lý giải, việc giảm nguồn cung do tập đoàn này sắp sửa ngừng hoạt động thêm 1 tuabin tại trạm khí nén Portovaya thuộc hệ thống Nord Stream 1 theo hướng dẫn của các cơ quan giám sát, sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật của thiết bị. Việc ngừng tuabin bắt đầu từ 4 giờ ngày 27-7 và chưa rõ khi nào nối lại.
“Không có lý do kỹ thuật”
Theo hãng tin Reuters, giới chức châu Âu bác bỏ mọi viện dẫn từ Nga, cho rằng Moscow đang cố tình “vũ khí hóa khí đốt” và coi năng lượng là “át chủ bài” để gây áp lực với phương Tây, qua đó xáo trộn kế hoạch tích trữ cho mùa đông và đẩy cuộc khủng hoảng khí đốt leo thang. “Dựa trên thông tin của chúng tôi, không có lý do kỹ thuật nào dẫn đến việc giảm lưu lượng nguồn cung khí đốt”, Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck cho hay.
Nord Stream 1 là một trong những đường ống cung cấp khí đốt quan trọng cho Liên minh châu Âu (EU) và là đường ống lớn nhất trong số này. Nord Stream 1 chạy từ Nga, xuyên qua biển Baltic để đến Đức. Công suất vận chuyển khí đốt tối đa của đường ống này hơn 160 triệu m3/ngày. Nord Stream 1 mỗi năm vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt cho EU. Tuy nhiên, kể từ khi mở lại đường ống vào ngày 21-7 sau thời gian bảo trì, Nga chỉ vận hành Nord Stream 1 ở mức 40% công suất. Với việc ngừng 1 tuabin ở trạm khí nén Portovaya, công suất khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 từ ngày 27-7 sẽ còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất thiết kế, tức giảm một nửa so với hiện tại.
Bất chấp chỉ trích từ EU, Nga khẳng định Moscow là bên cung cấp đáng tin cậy, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây chậm giao các tuabin của đường ống được gửi đi bảo trì ở Canada. Theo đề nghị của Berlin, Ottawa sau đó đã bàn giao thiết bị cho Đức, nhưng thiết bị hiện vẫn chưa được vận chuyển tới Nga do phức tạp vấn đề thủ tục. Gazprom cho biết đã nhận được các giấy tờ thông báo việc bàn giao sẽ chậm trễ.
Lục đục nội bộ
Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi áp đặt mức giảm đồng bộ 15% lượng tiêu thụ khí đốt đối với mỗi quốc gia EU kể từ ngày 1-8 trên tinh thần tự nguyện để giúp lấp đầy các kho dự trữ cho mùa đông nhanh hơn trong bối cảnh Nga liên tục giảm nguồn cung. Đề xuất này cần nhận được sự chấp thuận từ ít nhất 15 nước thành viên để trở thành luật, nhưng Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp thẳng thừng phản đối.
Ngày 26-7, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa cho rằng, đề xuất của EC không rõ ràng vì không gồm các mục tiêu ràng buộc cũng như hoàn toàn đi ngược lại ý tưởng về an ninh năng lượng và dân chủ. Phát biểu với báo giới, bà Moskwa nêu rõ: “Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ quyết định nào được áp đặt đối với các quốc gia. An ninh năng lượng là đặc quyền của quốc gia”. Bà Moskwa lý giải, các điểm lưu trữ khí đốt ở Ba Lan đã đầy và nước này hiện không cần phải hạn chế sử dụng khí đốt. Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan cho rằng, đề xuất về mức giảm đồng bộ 15% sẽ không đủ để vượt qua mùa đông khi nguồn cung khí đốt của Nga tiếp tục giảm. Trong khi đó, Pháp đề xuất các mục tiêu về khí đốt trong tương lai của EU cần đặc biệt lưu ý tới năng lực xuất khẩu của mỗi quốc gia.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie (Anh) cho biết, khi lượng khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất, châu Âu chỉ có thể lấp đầy 75-80% các kho chứa trước mùa đông. Nếu Nord Stream 1 bị khóa hoàn toàn, khí đốt trong kho dự trữ của “lục địa già” có thể cạn kiệt vào cuối tháng 2-2023. Động thái của Nga khiến Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU - rơi vào “tình hình nghiêm trọng” khi đối mặt với việc phân phối nhiên liệu cho các ngành công nghiệp để bảo đảm người dân có đủ nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông. Nước này dự kiến giảm lượng tiêu thụ khí đốt từ 15-20%. Trong năm qua, giá khí đốt ở châu Âu liên tục nhảy vọt, có thời điểm lên đến 180 euro/megawatt giờ (MWh), mức rất cao so với dưới 30 euro như trước đây. Ngày 25-7, giá khí đốt ở lục địa này tăng 12%.
Trong bối cảnh “cuộc chiến khí đốt” diễn biến phức tạp, EU đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung thay thế. Ngày 18-7, EU và Azerbaijan ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt từ quốc gia ven biển Caspi. Ngoài ra, EU cũng tìm nguồn cung bù đắp từ Qatar, Na Uy và Algeria. Trong khi đó, Mỹ đồng ý cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay.
THƯ LÊ