Quốc tế
Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, châu Á lo ứng phó
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp và dự kiến còn tiếp tục tăng nữa trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát, bất chấp những dự liệu về tác động “dội ngược lại” từ chính sách tài chính này.
Chứng khoán Mỹ giảm sâu ngày 21-9 sau khi FED công bố tăng lãi suất lần 3 với 0,75 điểm %, dao động trong biên độ từ 3,0-3,25%. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh mức lạm phát tăng nhanh nhất trong 40 năm, ngày 21-9 (giờ Mỹ), FED công bố lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp trong thời gian ngắn với 0,75 điểm %. Quyết định này sẽ nâng mức lãi suất tiêu chuẩn của FED nằm trong khoảng 3% đến 3,25%, mức lãi suất mà lần áp dụng gần nhất là vào đầu năm 2008 (trước giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu). Các chuyên gia tài chính dự đoán các mức lãi suất ngắn hạn sẽ tăng trên mức 4,25% tới cuối năm nay.
FED không loại trừ nguy cơ suy thoái
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ ước tính tăng chi phí vay lên 4,4% vào cuối năm nay và dự báo các mức lãi suất sẽ còn tăng cao hơn nhiều trong những năm tới, vượt xa các dự tính trước đây. Ông Jerome H. Powell, Chủ tịch FED cảnh báo, những động thái này sẽ kéo theo hệ lụy cho kinh tế Mỹ, nhưng lại cho rằng việc hạn chế tăng trưởng lúc này để kiềm chế giá cả hàng hóa vốn đang ở mức cao là điều rất cần thiết. Trong cuộc họp báo sau buổi họp của ban lãnh đạo FED ngày 21-9, ông Powell lý giải: “Chúng ta phải vượt qua lạm phát. Tôi ước giá như có một cách không đau đớn để làm việc đó, nhưng không có”.
Phát biểu nói trên của ông Powell phần nào cho thấy thách thức Ngân hàng Trung ương Mỹ đang đối mặt. Lạm phát thời gian qua vẫn tăng bất chấp hai đợt tăng lãi suất gần nhất, và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang chật vật để đưa nó về mức kiểm soát. Thực tế, giá cả hàng hóa tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng gấp ba lần so với mức mục tiêu chỉ là 2% như kỳ vọng của FED. Điều này khiến cuộc sống thường nhật của người dân gặp rất nhiều khó khăn, từ tiền thuê nhà cho tới thực phẩm và hàng gia dụng. Bên cạnh đó, theo Yahoo Finance, phân tích mới của Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB) dự báo, chỉ riêng động thái tăng lãi suất trong tuần này sẽ khiến chính phủ Mỹ thâm hụt thêm 2,1 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Sức ép với nước nghèo
Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới nên những thay đổi về chính sách tiền tệ của nước này tất yếu có tác động ở phạm vi toàn cầu và cụ thể là tại châu Á. Các chuyên gia kinh tế học của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, việc tăng lãi suất của FED cũng như các ngân hàng trung ương khác ở những nước có vị thế kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới châu Á. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đương nhiên phải tìm giải pháp cẩn trọng thích ứng với tình huống này.
Theo chuyên gia Tai Hui, trưởng chiến lược gia về thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng JPMorgan cho rằng, động thái của FED chắc chắn tạo thêm áp lực với các tài sản rủi ro ở châu Á. Ảnh hưởng này đặc biệt đáng kể với các công ty chủ yếu xuất khẩu, họ có thể đối mặt với những áp lực lớn về ngắn hạn sau quyết định tăng lãi suất của FED. Cũng theo ông Tai, việc đồng USD mạnh lên (sau khi tăng lãi suất) sẽ còn kéo dài. Song, chính sách siết chặt tiền tệ tại hầu hết các ngân hàng trung ương tại châu Á (ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản) cũng sẽ giúp hạn chế mức độ mất giá của các đồng tiền ở châu lục này.
Lãi suất của Mỹ tăng kéo theo đồng USD tăng giá, đồng thời cũng tăng hấp dẫn với các khoản đầu tư toàn cầu. Điều này về lý thuyết sẽ giúp hỗ trợ kinh tế Mỹ nhưng lại khiến các nền kinh tế khác yếu đi khi phải cùng lúc đối mặt với việc tăng giá trị khoản nợ phải trả (nếu nợ đó tính bằng USD) và chi phí cho hàng hóa nhập khẩu cũng tăng theo. Chuyên gia Jay Hatfield thuộc Công ty Infrastructure Capital Advisors cho biết: “Mỹ sẽ tránh suy thoái kinh tế lớn nhưng phần còn lại của thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ bước vào mức độ suy thoái đáng kể”. Còn theo ông Adam Posen tại Viện nghiên cứu kinh tế học quốc tế Peterson, những nước nghèo hơn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. “Nhất là các nước đang phát triển và hiện gặp rắc rối với nợ công bằng ngoại tệ, tại nhiều khu vực ở Trung Á, cận Sahara châu Phi, Trung Mỹ”, ông nói.
Chứng khoán châu Á giảm điểm Sau khi FED công bố tăng lãi suất, hầu hết các chỉ số chứng khoán tại thị trường châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 22-9. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tiêu chuẩn của Nhật Bản giảm 1,4% còn 27.308,66 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,4%, còn 6.712,40 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,9%, còn 2.346,62 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% còn 18.524,48, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2% còn 3.115,08 điểm. Trong ngày 22-9, đồng yen của Nhật Bản suy yếu thêm ngay sau khi FED tăng lãi suất, khi 145 yen Nhật đổi 1 USD. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm sau quyết định của FED. Trong phiên giao dịch chiều 22-9, giá vàng tại thị trường châu Á giảm tới 1%, khi đồng USD lên giá. |
LÂM PHONG