Quốc tế

EU có thể phải hoãn áp giá trần với dầu Nga

10:57, 28/09/2022 (GMT+7)

Để có thể áp giá trần với dầu nhập khẩu từ Nga, 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) phải có sự nhất trí hoàn toàn. Nhưng hiện tại còn rất nhiều mâu thuẫn trong nội bộ khối này, đặc biệt từ Hungary và Cyprus, nên kế hoạch thực hiện dự kiến phải dời lại.

Cuộc họp của nhóm G7 diễn ra tại Đức ngày 27-6 để bàn về các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Christian Bruna/Getty Images
Cuộc họp của nhóm G7 diễn ra tại Đức ngày 27-6 để bàn về các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: Christian Bruna/Getty Images

Thực tế, các nước EU đang gặp khó để đạt được đồng thuận trong việc áp giá trần với dầu Nga. Giới quan sát tin rằng, kế hoạch này chắc chắn sẽ bị đẩy lùi thời hạn áp dụng ít nhất cho tới khi cả khối đã nhất trí xong gói trừng phạt quy mô lớn với Moscow.

Lợi ích khác nhau

Vì mọi lệnh trừng phạt của EU áp lên nước khác khi muốn thực thi đều phải có được sự phê chuẩn của toàn bộ 27 nước thành viên. Nói cách khác, mỗi quốc gia EU đều có trong tay quyền phủ quyết trong vấn đề này. Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp cao nhất của EU - trong những ngày cuối tuần qua đã gặp gỡ và thảo luận với các nước thành viên với hy vọng đạt được sự đồng thuận về gói trừng phạt Nga với những biện pháp hạn chế có quy mô lớn hơn, quyết liệt hơn. EC kỳ vọng có thể thúc đẩy việc hoàn thành thỏa thuận sơ bộ trước cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của các nhà lãnh đạo EU tại Prague ngày 6-10.

Việc EU thúc đẩy việc áp giá trần với dầu Nga cũng nằm trong ý định chung của họ phối hợp với Mỹ nhằm giữ cho giá dầu thô không tăng và hy vọng sẽ giảm bớt nguồn thu của Moscow từ năng lượng. Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi đầu tháng này cũng đạt được đồng thuận về việc áp giá trần với dầu Nga. Ủy ban được giao phụ trách thực thi thỏa thuận đó cho biết sẽ bắt tay để triển khai quyết định đó.

Các lãnh đạo EU hối hả thúc đẩy các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố lệnh “động viên một phần” tuần trước, cùng với các bước để sáp nhập những vùng lãnh thổ Ukraine hiện do Nga kiểm soát. Không chỉ kế hoạch áp giá trần với dầu Nga, EU cũng đang thảo luận các biện pháp trừng phạt khác như kiểm soát nhập khẩu kim cương và cấm xuất khẩu một số sản phẩm thép nhất định. Bên cạnh đó, họ cũng tính toán đề xuất khác liên quan việc hạn chế xuất khẩu tới Nga các linh kiện điện tử có thể được sử dụng trong sản xuất, chế tạo vũ khí.

Không dễ thực hiện tại EU

Cyprus và Hungary hiện là hai trong số những nước EU có quan điểm phản đối mạnh mẽ hơn cả với đề xuất áp giá trần với dầu Nga. Bloomberg dẫn nguồn tin từ những người đang theo sát diễn biến các cuộc đàm phán của EU về vấn đề này cho biết, Hungary, Slovakia và CH Czech - những nước đang nhập dầu qua hệ thống đường ống - muốn có sự bảo đảm rằng việc triển khai mức trần giá dầu sẽ không ảnh hưởng tới lượng dầu bơm cho họ. Hy Lạp, Cyprus và Malta cũng có thể sẽ đòi hỏi sự bảo đảm tương tự.

Chưa nói tới việc EU đang vấp phải những ý kiến phản đối gay gắt từ Hungary và Cyprus, còn rất nhiều chi tiết liên quan tới thỏa thuận áp giá trần với dầu Nga sẽ phải được giải quyết rốt ráo, trong đó có cả chuyện mức giá trần đó cụ thể sẽ là bao nhiêu. Tháng 6-2022, 27 nước EU dành nhiều tuần để bàn thảo về các điều khoản trừng phạt với dầu Nga. Lúc đó, họ nhất trí được việc kể từ ngày 5-12 năm nay sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển và các sản phẩm xăng, cấm mọi dịch vụ vận tải hàng hải liên quan tới hoạt động này, chẳng hạn như bảo hiểm, với các tàu hàng chở dầu của Nga trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, EU đã miễn trừ trừng phạt với dầu Nga nhập bằng đường biển.

Giới chuyên gia nghi ngờ tính khả thi

Theo Business Insider, nhiều chuyên gia đã tỏ ý nghi ngờ về mức độ hiệu quả trên thực tế của đề xuất áp giá trần với dầu Nga. Bởi lẽ theo họ, ý tưởng này nếu muốn thực hiện, EU buộc phải có được sự đồng thuận từ các đồng minh của Nga, những nước thời gian qua đã tăng cường mua vào dầu thô của Nga để tận dụng các chiết khấu giá hời. Bloomberg cũng cho rằng, chưa rõ quyết định áp giá trần sẽ hiệu quả ra sao, vì những bên mua lớn nhất của dầu Nga là Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa đồng ý tham gia đề xuất này của EU.

Moscow cũng đã cảnh báo sẽ đáp trả nếu phương Tây áp đặt giá trần với dầu thô của họ. Tháng 7-2022, phát biểu với Interfax (Nga), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabov cho rằng, động thái áp giá trần của EU sẽ “sụp đổ” và Moscow sẽ vẫn tiếp tục gia tăng nguồn thu ngân sách từ năng lượng. Nga sẽ chuyển hướng những tàu chở dầu của họ thay vì tới châu Âu thì qua châu Á nếu mức giá trần đó được thực thi.

LÂM PHONG

.