Đà Nẵng cuối tuần

"ATM bánh mì" miễn phí cho người nghèo ở UAE

16:07, 01/10/2022 (GMT+7)

Trong lúc chi phí sinh hoạt tăng cao, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) triển khai chương trình phát bánh mì miễn phí cho người nghèo thông qua các máy tự động đặt tại nhiều điểm ở thủ đô Dubai.

“ATM bánh mì” được đặt ở các siêu thị tại thủ đô Dubai của UAE nhằm phân phát bánh mì miễn phí cho người nghèo. Ảnh: thenationalnews
“ATM bánh mì” được đặt ở các siêu thị tại thủ đô Dubai của UAE nhằm phân phát bánh mì miễn phí cho người nghèo. Ảnh: thenationalnews

Tuần trước, Trung tâm Tư vấn Tài trợ Toàn cầu Mohammed bin Rashid (MBRGCEC) thuộc Tổ chức Awqaf và các vấn đề trẻ vị thành niên (AMAF) ở Dubai đã công bố khởi động sáng kiến “Bánh mì cho tất cả mọi người” nhằm hỗ trợ những gia đình và người lao động kém may mắn bằng cách cung cấp bánh mì miễn phí. Dự án nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE, Tiểu vương Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vị lãnh đạo này đã nhấn mạnh: “Ở UAE, không ai đi ngủ với chiếc bụng đói”.

Quỹ từ thiện do ông Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum sáng lập đã đưa ra sáng kiến về “ATM bánh mì”. Bà Zeinab Joumaa al-Tamimi, Giám đốc quỹ này chia sẻ: “Chúng tôi muốn tìm đến với các gia đình và công nhân có hoàn cảnh khó khăn trước khi họ tìm đến chúng tôi. Giờ đây, bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể nhận được bánh mì nóng chỉ với một nút bấm”.

Tổng cộng 10 “ATM bánh mì” đã được lắp đặt tại các siêu thị ở Dubai. Mỗi máy có màn hình cảm ứng, cho phép mọi người bấm nút chọn những loại bánh khác nhau: bánh mì sandwich, bánh mì pitta hoặc bánh chapatis phẳng kiểu Ấn Độ. Mỗi chiếc bánh được lấy từ cây ATM đều thơm phức và nóng hổi.
Cách làm từ thiện hiện đại này thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đồng thời cho phép các tổ chức, cá nhân đóng góp theo nguyên tắc tài trợ ngắn hạn. Mỗi “ATM bánh mì” có đầu đọc thẻ tín dụng để tiếp nhận các khoản ủng hộ từ thiện, chứ không nhằm mục đích thanh toán.

Là một trong những người nhận bánh mì miễn phí từ cây ATM, anh Bigandar (người Nepal) sống ở Dubai 3 năm, làm nghề rửa xe cho biết: “Một người bạn nói với tôi rằng ở đây phân phát bánh mì miễn phí nên tôi tìm đến”.

Cũng như hàng triệu người nhập cư châu Á khác, anh Bigandar đến đất nước giàu có UAE với mong muốn đổi đời. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến nền kinh tế toàn cầu, đẩy giá tiêu dùng tăng nhanh. Dubai - thành phố của những tòa nhà chọc trời sừng sững giữa sa mạc và là nơi tập trung nhiều triệu phú - cũng không tránh khỏi tác động. Vật giá leo thang, lạm phát gia tăng, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, những bữa ăn miễn phí là cứu cánh cho những người lao động như anh Bigandar. Hiện tiền công rửa xe mà anh Bigandar nhận được là 3 dirham/xe (0,27 USD). Nếu làm việc chăm chỉ và được khách hàng thưởng, anh sẽ có thu nhập từ 700 - 1.000 dirham/tháng (190-270 USD), nhưng vẫn chưa đủ trang trải.

Theo Trung tâm Thống kê Dubai, chỉ số giá thực phẩm trong tháng 7-2022 đã tăng 8,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí vận tải đã tăng hơn 38%. Ông Fadi Alrasheed, doanh nhân người Jordan sống ở Dubai 20 năm nay cho biết: “Lạm phát và lãi suất tăng kéo theo chi phí sinh hoạt, rất nhiều người có mức lương thấp đã không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt”.

Quốc gia giàu dầu mỏ UAE là nơi sinh sống của gần 10 triệu người, trong đó 90% là người nước ngoài, nhiều người đến từ châu Á và châu Phi. Dubai được coi là thủ phủ thương mại của UAE, lực lượng lao động nhập cư là nguồn nhân lực chính cho các dự án xây dựng những tòa nhà chọc trời và cả lĩnh vực dịch vụ.

Công ty tư vấn di cư đầu tư Henley and Partners có trụ sở tại London (Anh) ước tính ở Dubai có hơn 68.000 triệu phú và 13 tỷ phú, nên được xếp hạng thành phố giàu có thứ 23 trên thế giới.

PHÚC AN (theo AFP, The National)

.