Đà Nẵng cuối tuần
Hàn Quốc có nguy cơ "khủng hoảng kim chi"
Chuyện thiếu kim chi tưởng như khó có thể xảy ra ở Hàn Quốc. Vậy mà giờ đây người dân nước này sẽ trải qua một mùa đông không mấy hào hứng khi món ăn truyền thống quen thuộc với mỗi nhà đang tăng giá. Nguyên nhân do thời tiết cực đoan làm thất thu mùa vụ cải thảo - nguyên liệu chính làm kim chi.
Các trang trại cải thảo ở vùng cao nguyên thuộc tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Ảnh: Washington Post |
Một ngày tháng 9-2022, ở chân dãy núi Taebaek (tỉnh Gangwon), ông Roh Sung-sang (67 tuổi) khảo sát thiệt hại của mùa vụ cải thảo. Hơn một nửa số bắp cải trong mảnh đất rộng 50 mẫu Anh của ông héo úa, biến dạng vì phải chống chọi với nắng nóng và lượng mưa quá lớn trong suốt mùa hè.
Với khí hậu mát mẻ, cao nguyên tỉnh Gangwon là trung tâm sản xuất cải thảo vào mùa hè - thành phần chính trong kim chi, món ăn quan trọng của người dân Hàn Quốc. Song, gần 500.000 cây cải thảo không được tẩm gia vị và lên men để làm kim chi, mà bị bỏ lại trên các cánh đồng của ông Roh Sung-sang trong năm nay. Nhìn chung, thu hoạch cải thảo của cả vùng Taebaek chỉ bằng 2/3 so với thường niên.
Theo dữ liệu từ truyền thông Hàn Quốc, giá cải thảo đã tăng gần gấp đôi trong năm qua. Đến tháng 8-2022, giá cải thảo tăng thêm 41%, lên khoảng 3.300 won/kg (2,32 USD). Công ty Thực phẩm và Nông sản Hàn Quốc cho hay, giá củ cải trắng được dùng làm một loại kim chi phổ biến khác cũng tăng mạnh hơn hồi năm ngoái với mức tăng 146%, lên hơn 2.800 won/kg (1,97 USD).
Tình trạng giá cải thảo tăng diễn ra trong lúc người dân Hàn Quốc đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và chuẩn bị bước vào mùa làm kim chi truyền thống. Vào tháng 11 hằng năm, các gia đình thường làm kim chi để dự trữ trong mùa đông. “Tôi vẫn phải chi tiền mua cải thảo vì không còn cách nào khác”, Sung Ok-Koung (56 tuổi), một người nội trợ ở thủ đô Seoul chia sẻ. Theo một khảo sát hồi năm 2020 của Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, người dân nước này ăn kim chi trung bình 7 lần/tuần.
Tình trạng khan hiếm cải thảo không chỉ ảnh hưởng đến các gia đình tự làm kim chi, mà còn tác động mạnh mẽ đến các nhà sản xuất kim chi hàng đầu của Hàn Quốc. Các công ty CheilJedang và Daesang đều tuyên bố tăng giá kim chi từ 10-11%. Kim chi cải thảo - mặt hàng phổ biến nhất của Daesang - đã hết hàng trên trang mua sắm trực tuyến của công ty này một tháng qua. Nhiều người tiêu dùng giờ đây xem món kim chi làm sẵn là “geumchi” (ám chỉ kim chi đắt như vàng).
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc xác định nguyên nhân do thời tiết bất lợi ở vùng cao nguyên Gangwon và cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể, trong đó có nhập khẩu cải thảo để ổn định giá cả thị trường. Tuy nhiên, việc nhập khẩu cải thảo chủ yếu của Trung Quốc tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. GS. Koo Jeong-woo về xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul lý giải, vấn đề này gây tranh cãi vì kim chi là di sản văn hóa quốc gia và món ăn này đã trở thành một “cách sống” của người Hàn Quốc.
Mối quan tâm lớn hơn là tình trạng biến đổi khí hậu. Theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, trong 5 mùa hè qua ở Taebaek, có khoảng 20 ngày nhiệt độ lên đến 33 độ C, trong khi cải thảo cần điều kiện thời tiết mát mẻ hơn. Ngoài ra, người trồng cải thảo còn đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn và bão xảy ra ngày càng thường xuyên.
Ông Jeon Sang-min, Giám đốc phân phối tại Hợp tác xã nông nghiệp của Taebaek, tìm kiếm các loại cây trái và rau quả thay thế có thể “chống chọi với thời tiết thất thường”. Ông lo nông dân có thể phải chuyển sang “cây trồng cận nhiệt đới” trong tương lai gần. Nhà nghiên cứu Kim Myung-hyun tại Viện Khoa học Nông nghiệp Quốc gia Hàn Quốc cũng quan ngại rằng, nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, đến những năm 2090, sản lượng cải thảo ở vùng cao nguyên sẽ giảm 99%, tức nông dân không còn gì để thu hoạch.
KHÁNH LINH (theo Washington Post, Korea Times)