EU lập "mô hình riêng" về quan hệ với Trung Quốc

.

Sau thời gian dài vượt qua nhiều rào cản, từ năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) coi Trung Quốc là đối tác, một nước cạnh tranh về kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống. Tuy vậy, quan hệ EU-Trung Quốc vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi tại các diễn đàn ở nhiều nước thuộc EU.

Các cuộc thảo luận gần đây trong nội bộ các nước EU về Trung Quốc trở nên sôi nổi sau khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc là “thách thức địa chính trị” đáng ngại nhất của cường quốc này; đồng thời đưa ra chiến lược an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh Bắc Kinh “đang gia tăng năng lực định hình lại trật tự quốc tế”.

Đáng chú ý, ngày 21-10, hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo EU tranh luận khá căng thẳng về những thay đổi căn bản trong mối quan hệ với Trung Quốc trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. AFP dẫn phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 22-10 cho rằng: “EU sẽ luôn kiên định để bảo vệ các nguyên tắc, nền dân chủ và các quyền tự do cơ bản” trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, EU sẽ phát triển “mô hình riêng” trong quan hệ với Trung Quốc. Theo ông Michel, EU mong muốn hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề biến đổi khí hậu và y tế.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, EU phải xem xét lại quan hệ thương mại với Trung Quốc và kêu gọi sân chơi bình đẳng hơn giữa hai đại cường thương mại. Ông Macron cũng thừa nhận: “Chúng ta đã phạm sai lầm chiến lược trong quá khứ khi bán cơ sở hạ tầng cho Trung Quốc”. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula Von der Leyen kêu gọi 27 nước thành viên EU phải cảnh giác nhằm tránh phụ thuộc vào “gã khổng lồ” châu Á trên nhiều phương diện, nhất là trong các ngành công nghệ thiết yếu như chíp bán dẫn và các loại nguyên nhiên liệu quan trọng; đồng thời cần tăng cường năng lực sản xuất và chuyển hướng nhiều hơn sang các nhà cung cấp khác.

Trước đó, ngoại trưởng của các nước thành viên EU thảo luận tài liệu đề xuất điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc, trong đó thừa nhận chính sách hiện tại của EU xem Trung Quốc là “đối tác - đối thủ cạnh tranh - đối thủ hệ thống” đã lỗi thời và cam kết hướng đến đường lối cứng rắn hơn so với trước. Theo Financial Times, tài liệu nói trên chỉ bao gồm duy nhất một đoạn về các lĩnh vực có thể hợp tác nhưng theo cách hạn chế với Trung Quốc, gồm biến đổi khí hậu, môi trường và y tế, trái ngược hoàn toàn với chính sách hiện tại: coi Bắc Kinh là “đối tác chiến lược của EU trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và những thách thức quốc tế ”.

Theo đó, các ngoại trưởng EU cần có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và xem nước này là đối thủ cạnh tranh toàn diện. Bên cạnh đó, liên minh này nên hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng và ứng phó với các mối đe dọa hỗn hợp, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc; đồng thời tăng cường quan hệ với các nước khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Văn bản này cũng nhấn mạnh, quan hệ EU-Trung Quốc đã xấu đi đáng kể, thể hiện qua các tranh chấp thương mại, các lệnh trừng phạt đáp trả và sự thất bại trong việc tìm kiếm các lĩnh vực thỏa thuận chung.

Trong diễn biến liên quan, sự chuyển hướng “cứng rắn” trong quan hệ với Trung Quốc của EU cũng sẽ là bài toán khó cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước thềm chuyến thăm Trung Quốc tháng 11-2022. Đặc biệt, đó là sự cảnh báo của EU với Đức về hợp đồng được ký kết tháng 9-2022 về việc bán một phần cảng Hamburg - cảng thương mại lớn nhất nước này cho Trung Quốc. Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Scholz dường như có ý định “bật đèn xanh” cho hợp đồng giao dịch chuyển nhượng 35% cổ phần cảng Hamburg cho Tập đoàn Cosco (Trung Quốc), dù đã có sự phản đối từ các bộ trong chính quyền liên bang. Động thái này được xem là thước đo về mức độ sẵn sàng “cứng rắn” của Đức đối với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của mình.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.