Quốc tế

Mỹ vẫn xem Trung Quốc là thách thức chính

08:58, 14/10/2022 (GMT+7)

Trong tài liệu chiến lược an ninh quốc gia mới vừa công bố, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trình bày chi tiết sự đánh giá các nguy cơ mà nước Mỹ sẽ phải ứng phó, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan tháng 9-2022. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Uzbekistan tháng 9-2022. Ảnh: AP

Theo ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, bất kể xung đột đang diễn ra tại Ukraine, ông Biden vẫn coi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất với Mỹ. Tuy nhiên, ông Sullivan cũng lưu ý, vấn đề ứng phó với Moscow cũng vẫn là một mục tiêu trọng yếu với Washington. Về tổng thể, ông Biden cho rằng, thách thức bao trùm với nước Mỹ trong những năm tới sẽ là “vượt qua Trung Quốc và kiềm chế Nga” trong khi tập trung khôi phục nền dân chủ trong nước vốn đã bị tổn thương thời gian qua.

Trung Quốc “trong mắt” ông Biden

Hai nguy cơ từ Nga và Trung Quốc được nêu cụ thể trong bản chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố ngày 12-10. Theo kế hoạch, đáng lẽ bản chiến lược này phải được công bố sớm hơn vào mùa đông năm ngoái, nhưng do xung đột xảy ra cuối tháng 2 năm nay tại Ukraine nên thời điểm công bố bị dời lại.
Tài liệu nêu rõ: “Trung Quốc và Nga đang ngày càng ủng hộ nhau hơn nhưng những thách thức họ đặt ra lại khác nhau, theo những phương diện quan trọng. Chúng ta sẽ ưu tiên duy trì ưu thế cạnh tranh trội hơn về lâu dài so với Trung Quốc trong khi kiềm chế Nga”. Theo đó, Mỹ phải giành ưu thế trong cuộc đua kinh tế với siêu cường Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng của mình trên thế giới.  Tài liệu cũng nhấn mạnh: “Nước Mỹ sẽ không cho phép bất cứ thế lực nào, có thể đạt được mục tiêu của họ bằng cách sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Theo ông Sullivan, dù xung đột tại Ukraine không làm thay đổi về cơ bản cách ông Biden nhìn nhận thế giới nhưng nhấn mạnh, sở dĩ thời điểm công bố chiến lược an ninh quốc gia bị lùi lại vì giới chức Washington tin rằng sẽ là “thiếu thận trọng” khi công bố tài liệu này ở thời điểm “thực sự chưa rõ chính xác là cuộc xung đột đó sẽ diễn ra theo hướng nào”. 

Có thể thấy xuyên suốt bản chiến lược, xung đột Nga - Ukraine được nhắc tới nhiều lần trong những nội dung đề cập đến năng lượng, an ninh lương thực và tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Bản tài liệu dài 48 trang toát lên quan điểm rất rõ ràng trong “mắt” ông Biden rằng Trung Quốc hiện là thế lực duy nhất có khả năng thay đổi trật tự thế giới. Trong khi đó, quyền lực mềm và ảnh hưởng ngoại giao của Moscow đã giảm bớt.

Đối nội gắn chặt đối ngoại

Bản chiến lược an ninh quốc gia có nhiều nội dung lặp lại những quan điểm về các vấn đề ông Biden đã từng nêu trong chiến dịch tranh cử trước đây và cũng khớp với tài liệu Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời công bố hồi đầu năm ngoái của Nhà Trắng.

Tài liệu mới này rõ ràng đã xóa bỏ sự tách bạch rạch ròi giữa đối nội và đối ngoại. Nó khẳng định cội nguồn sức mạnh của nước Mỹ sẽ đến từ việc tái khẳng định những truyền thống dân chủ của đất nước. Theo đó, khi nước Mỹ mạnh mẽ ở trong nước thì điều đó trở thành nguồn lực mạnh mẽ của họ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng thể hiện rõ một số lập trường có những khác biệt đáng chú ý, nhất là với một người của đảng Dân chủ như ông. Theo đó, ông kêu gọi tiến hành hiện đại hóa quân đội với tốc độ nhanh hơn, mặc dù những ý kiến phản biện cho rằng mức ngân sách mà chính quyền ông Biden dành cho quân đội chưa phản ánh đúng các tham vọng đó. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng bày tỏ quan điểm không mấy tích cực về những lợi ích của toàn cầu hóa và mô tả nó như một nhân tố thúc đẩy đại dịch, tin giả và cả những thiếu hụt về chuỗi cung ứng. Từ đó cho rằng, Mỹ cần đầu tư vào các nước đồng minh và các ngành công nghiệp tư nhân như một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào các đối thủ.

Theo Washington Post, dù Đạo luật tái tổ chức quốc phòng năm 1986 quy định mọi chính quyền Mỹ đều phải công bố chiến lược an ninh quốc gia hằng năm, nhưng tới nay chỉ một vài chính quyền thực hiện điều đó. Trong hai nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Barack Obama chỉ công bố 1 bản chiến lược như vậy. Còn cựu Tổng thống Donald Trump cũng chỉ công bố một lần vào năm 2017.
Với mọi chính quyền, chiến lược an ninh quốc gia bao hàm nội dung định hướng, phát đi thông điệp và tín hiệu về ý định của quốc gia đó với các đồng minh cũng như các đối thủ. Chẳng hạn theo New York Times, bản chiến lược của cựu Tổng thống George W. Bush là học thuyết mang tính “phủ đầu” để “dọn đường” cho cuộc chiến tại Iraq. Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama dùng bản chiến lược an ninh để kêu gọi hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân, đồng thời mở rộng quyền lực mềm của nước Mỹ để ngăn chặn dịch bệnh và nghèo đói toàn cầu.

LÂM PHONG

.