Quốc tế

Anh - Pháp nỗ lực làm "tan băng" trong quan hệ

07:03, 08/11/2022 (GMT+7)

Những bất đồng trong quan hệ Anh-Pháp đã nhen nhóm từ rất lâu, nhất là thời kỳ hậu Brexit. Tháng 9-2021, Úc bất ngờ hủy “hợp đồng thế kỷ” trị giá 56 tỷ USD về việc mua 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện của Pháp để theo đuổi chương trình tàu ngầm năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh. Ngay sau đó, Mỹ, Anh và Úc thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (gọi tắt là AUKUS). Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là “sự phản bội” chưa từng có làm rung chuyển quan hệ đồng minh Pháp-Úc cũng như quan hệ giữa Pháp với Mỹ và Anh.

Căng thẳng Anh - Pháp tiếp tục leo thang cuối năm 2021, sau khi Anh không cấp phép cho một số tàu, thuyền nhỏ của Pháp đánh cá trong vùng biển của nước này như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại Anh - Liên minh châu Âu (EU). Quan hệ ngoại giao Anh - EU cũng xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên sau những bất đồng liên quan tới vấn đề Bắc Ireland thời kỳ hậu Brexit.

Bên cạnh đó, vấn đề người di cư từ Pháp tới Anh đi qua eo biển Manche cũng là “điểm nghẽn” lớn trong quan hệ song phương suốt thời gian qua. Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Anh cáo buộc Pháp không thực hiện đầy đủ các nỗ lực để ngăn chặn tình trạng vượt biển bất hợp pháp. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 37.570 người vượt qua eo biển Manche đến Anh trên những chiếc xuồng hơi, con số cao nhất từ trước đến nay. Tình trạng này gây nên “cơn đau đầu” đối với chính phủ Anh, khi London từng cam kết thắt chặt kiểm soát biên giới sau khi rời “mái nhà chung” EU.

Ngay cả trong vấn đề về xung đột Nga-Ukraine, Pháp và Anh dưới thời Thủ tướng Boris Johnson cũng có những quan điểm rất khác biệt. Theo đó, Anh kêu gọi các nước hỗ trợ quân sự cho Ukraine và từ chối bất kỳ đối thoại nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi xung đột nổ ra, trong khi Pháp là một trong những nước phương Tây tích cực vận động cho việc giải quyết khủng hoảng  thông qua đàm phán ngoại giao.

Dù còn tồn tại những bất đồng nhưng trong bối cảnh địa chính trị ở châu Âu với những biến đổi phức tạp và cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, quan hệ London - Paris không nên lún sâu vào sự ngăn cách mà phải được “hóa giải” để hướng tới các mục tiêu cao hơn, vì lợi ích lớn hơn. Ngày 7-11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Macron gặp nhau bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập để bàn bạc về quan hệ song phương. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, kể từ khi ông Sunak nhậm chức Thủ tướng Anh.

Trước đó, ngày 28-10, Tổng thống Macron điện đàm với Thủ tướng Sunak nhân dịp ông Sunak nhậm chức, trong đó hai bên nhất trí hợp tác hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche. Thủ tướng Anh nhấn mạnh “tầm quan trọng đối với cả hai bên trong nỗ lực khiến tuyến đường qua eo biển này là bất khả xâm phạm đối với những kẻ buôn người.” Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman cũng làm việc với người đồng cấp Pháp Gerald Darmanin “để xây dựng quan hệ hợp tác sâu rộng hơn và sử dụng hiệu quả hơn công nghệ giám sát của Anh”.

Trước đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Cộng hòa Czech ngày 6-10, người tiền nhiệm của Thủ tướng Sunak là bà Liz Truss và Tổng thống Pháp Macron nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào năm 2023 tại Pháp nhằm thúc đẩy “chương trình nghị sự song phương theo hướng đổi mới”. Tại hội đàm, bà Truss và ông Macron thảo luận về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt ủng hộ dự án máy năng lượng mới của Tập đoàn EDF (Pháp) tại vùng Sizewell, cùng với việc giải quyết vấn đề người di cư trái phép từ miền bắc nước Pháp. Đây được xem là tín hiệu tích cực làm “tan băng” trong quan hệ London - Paris hậu Brexit.

TUYẾT MINH

.